Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Thời sự

“Trung Quốc lấy cớ Charlie Hebdo để trấn áp tự do ngôn luận”

Published

on


Hoàng Kim Phượng
Ngay sau vụ thảm sát ở tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo, một số cơ quan thông tấn của chính phủ Trung Quốc vừa qua đã có nhiều bài viết phê phán “tự do ngôn luận kiểu Tây phương” và bị báo chí quốc tế trích đăng lại, thậm chí còn đề cập tới vấn đề người Hồi giáo Uighur [Duy Ngô Nhĩ] tại Xinjian [Tân Cương] – vốn là chuyện “đau đầu và nhạy cảm” ở Trung Quốc.

Các thông tin tuyên truyền chống khủng bố được dán dọc đường phố Urumqi, khu tự trị Xinjian, Trung Quốc, tháng 9/2014. Ảnh: AFP/Goh Chai Hin

“Thế giới rất đa dạng, và cần phải có giới hạn đối với quyền tự do báo chí. Châm biếm, chế giễu, làm nhục người khác, tự do ngôn luận mà vô nguyên tắc và không chịu sự ràng buộc nào, đều là không thể chấp nhận được” – Ying Qiang, Trưởng đại diện Xinhua News [Tân Hoa Xã] tại Paris, viết trong một bài xã luận chỉ trích “nền báo chí tự do vô tổ chức” của Pháp.

Chỉ trích Charlie Hebdo

Đúng vào ngày hơn 3 triệu người dân tuần hành trên đường phố Paris để ủng hộ tự do ngôn luận và tưởng niệm nạn nhân của các vụ thảm sát, Xinhua News – cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc – đã đăng tải một bài xã luận cho rằng chính nền báo chí tự do vô tổ chức của Pháp đã châm ngòi cho cuộc tấn công.

Bài báo đăng trên trang mạng của Xinhua News ngày chủ nhật, 11/1, cùng ngày với các cuộc tuần hành hàng triệu người ở Paris. Không có bản tiếng Anh, nhưng nhiều tờ báo phương Tây đã nhanh chóng dịch và trích đăng lại xã luận này.

Chẳng hạn, Wall Street Journal thuật lại rằng, theo Ying Qiang, tờ Charlie Hebdo từ lâu đã bị phê phán vì “sự thô bạo và tàn nhẫn khi tấn công vào các tôn giáo”.

“Charlie Hebdo từng rất nhiều lần là đối tượng của các cuộc biểu tình phản đối và tấn công trả thù, vì những bức biếm họa gây tranh cãi của họ. Điều mà hình như họ không nhận ra, là thế giới rất đa dạng, và cần phải có giới hạn đối với quyền tự do báo chí” – bài xã luận của Ying Qiang viết.

Bài báo cũng nêu rõ: “Nhiều tôn giáo, nhiều nhóm thiểu số trên thế giới có những vật tổ và điều cấm kỵ riêng của họ. Tôn trọng lẫn nhau là điều kiện thiết yếu để có thể cùng tồn tại trong hòa bình”.

Cũng trên Xinhua News, một tác giả khác là Liang Xizhi nhận xét: “Không nên đơn giản cho rằng cuộc tấn công nhằm vào Charlie Hebdo là một sự tấn công vào tự do báo chí, bởi vì ngay cả tự do cũng cần có giới hạn. Tự do không bao hàm cả xúc phạm, nhạo báng, bôi nhọ niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của những người khác. Thế giới rất đa dạng và mọi tôn giáo cũng như văn hóa đều có những giá trị cốt lõi riêng biệt. Quan trọng là phải tỏ sự tôn trọng với những tôn giáo và văn hóa khác biệt, để cùng tồn tại hòa bình trên thế giới này, thay vì nhạo báng, xúc phạm và tự do báo chí vô giới hạn, vô nguyên tắc, không cần biết đến tình cảm của người khác”.

Trước đó, hôm 9/1, nghĩa là chỉ hai ngày sau vụ thảm sát ở Paris, Global Times [Hoàn Cầu thời báo] cũng đã có một bài xã luận, viết: “Người phương Tây nghĩ rằng khi một thiểu số rất nhỏ báo chí phương Tây chế nhạo nhà tiên tri của Hồi giáo, đấy là “tự do báo chí”. Một số người còn coi việc bảo vệ thứ tự do này là một giá trị của phương Tây”.

Global Times cho rằng các chính trị gia Tây phương không muốn “quản lý” báo chí chỉ là xuất phát từ nhu cầu kiếm phiếu bầu mà thôi. “Nhiều khi họ còn ủng hộ báo chí nữa”.

The New Republic, một tờ báo theo khuynh hướng tự do (liberal) ở Mỹ, ngày 15/1 đã có bài viết của nhà báo Matt Schiavenza “đập lại” Xinhua News, nhan đề “Trung Quốc lấy cớ ‘Charlie Hebdo’ để trấn áp tự do ngôn luận”.

Hồi giáo ở Pháp và Uighur ở Trung Quốc

Matt Schiavenza đánh giá về bài viết của Ying Qiang trên Xinhua News: “Những lời bình luận như vậy rất điển hình cho báo chí quốc doanh ở Trung Quốc, vốn hiếm khi bỏ lỡ cơ hội nào – cho dù ghê tởm đến đâu – để ca ngợi đường lối của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, điều mỉa mai là vụ tấn công vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo và sau đó là vào một siêu thị ở Paris lại diễn ra đồng thời với những biến cố gần đây tại Trung Quốc.

Một phụ nữ Uighur bị cảnh sát bắt đi trong một cuộc biểu tình ở Urumqi, Xinjiang. Ảnh AFP/BBC

Tác giả kể ra một vài diễn biến trong 12 tháng qua, liên quan đến xung đột giữa người Hán (chiếm đa số) [Han Chinese]  sắc dân thiểu số Uighur: Tháng 9/2014, một loạt vụ nổ đã làm 6 công an địa phương thiệt mạng. Ngay sau đó, bạo loạn bùng nổ, công an bắn chết 40 người. Ngày 12/1 vừa qua, một website chính phủ đặt ở Xinjian đưa tin công an đã giết 6 người Uighur vì tội tấn công họ bằng rìu.

Ghê gớm nhất là một vụ xảy ra vào ngày 1/3 năm ngoái, khi các chiến binh đeo mặt nạ, cầm theo dao và kiếm, xông vào một nhà ga xe lửa ở Kunming [Côn Minh] và đâm chết 30 người.

The New Republic có một so sánh thú vị. Chính phủ Pháp vốn nổi tiếng với chính sách hạn chế phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt (chỉ được đeo tại một số không gian và thời điểm nhất định). Quy định này vấp phải sự phản ứng của nhiều người trong cộng đồng Hồi giáo khá đông đảo ở Pháp vì bị cho là “phá vỡ bản sắc của người thiểu số”.

Chính quyền Trung Quốc cũng áp đặt những hạn chế hệt như vậy đối với người Hồi giáo Uighur. Gần đây, Beijing cấm người theo đạo Hồi ở Urumqi được mặc áo dài trùm đầu (burqas – loại trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo, che kín từ đầu đến chân, chỉ hở hai con mắt). Lệnh cấm này được ban hành tiếp sau một lệnh cấm tương tự ở Karamay – một thành phố khác ở Xinjian, theo đó tín đồ Hồi giáo không được mặc trang phục của tôn giáo mình khi ở trên phương tiện giao thông công cộng.

Không chỉ có thế, tác giả Matt Schiavenza cho biết: “Nhưng sự đàn áp của Trung Quốc đối với cộng đồng Uighur còn đi xa hơn các biện pháp của Pháp. Trên khắp Xinjian, quan chức đưa quốc kỳ Trung Hoa vào tất cả các thánh đường Hồi giáo và cản trở rất nhiều tín đồ (kể cả thanh thiếu niên dưới 18 tuổi) bước chân vào thánh đường. Chính phủ Trung Quốc cũng ngăn trở giáo dục song ngữ trong khu vực, và điều đó đặt người Uighur – những người mà tiếng Hoa không phải tiếng mẹ đẻ vào thế bất lợi đáng kể trên thị trường lao động.

Thủ phủ Urumqi của Xinjian có 3 triệu dân thì chỉ 10% là người Uighur. Phần còn lại, chủ yếu là người Hán di cư từ Trung Quốc, kiểm soát hoàn toàn chính quyền, lực lượng an ninh cũng như nền kinh tế của thành phố. Và cũng như ở Paris, nơi người Hồi giáo cư ngụ chủ yếu ở vùng ngoại ô, người Uighur và người Hán sống rất biệt lập với nhau.

Kết quả là sự cô lập cả về văn hóa và chính trị đối với người Uighur. Càng ngày, họ càng chuyển sang bạo lực nhiều hơn” – Matt Schiavenza nhận định. Ông trích lời James Palmer – một nhà phân tích ở Beijing [Bắc Kinh], có nhiều nghiên cứu về khu vực – cho rằng sự kết hợp giữa ý thức hệ Hồi giáo và chủ nghĩa dân tộc đã tạo điều kiện cho những quan điểm cực đoan nở rộ trong khu vực. “Trên mạng, các video của người Uighur ngày càng dùng nhiều từ ngữ liên quan đến thánh chiến”.

Chuyện tự do ngôn luận ở Trung Quốc

Cộng đồng 5 triệu tín đồ Hồi giáo ở Pháp cũng có những khó khăn của họ, và họ đã và đang phải vật lộn để hòa nhập với xã hội Pháp. Nhưng có một điểm khiến đời sống của họ khác xa tình hình của người Hồi Uighur, và về điểm này thì truyền thông quốc doanh của Trung Quốc đã nói đúng: Hai cộng đồng khác hẳn nhau về cách tiếp cận với quyền tự do ngôn luận.

Tại Xinjian, báo chí nước ngoài thường xuyên bị cấm bén mảng. Nhà báo Matt Schiavenza trích lời bà Julia Famularo – một chuyên gia về khu vực, hiện làm việc cho một viện chiến lược ở Washington DC. – nói rằng môi trường cho tự do ngôn luận của người Uighur đặc biệt khốc liệt: “Ở Pháp, có rất nhiều cơ chế mà thông qua đó, tín đồ Hồi giáo có thể biểu đạt quan điểm của họ một cách công khai. Nhưng ở Trung Quốc thì không”.

Năm 2009, một loạt những vụ nổi dậy quy mô lớn ở Urumqi đã làm gần 200 người chết. Sau đó, Trung Quốc cắt mạng Internet trong khu vực suốt 6 tháng.

Matt Schiavenza dừng bài báo của mình trên tờ The New Republic bằng kết luận rằng, việc nước Pháp kiên trì bảo vệ tự do ngôn luận, thể hiện qua sự can đảm tới mức liều lĩnh của Charlie Hebdo, đã càng làm gay gắt thêm những căng thẳng giữa các nhóm dân thiểu số ở nước này. Dù vậy, sự cởi mở của nước Pháp vẫn giúp cho các cộng đồng bên lề xã hội có thể lên tiếng. Nhưng đừng hòng báo chí quốc doanh Trung Quốc thừa nhận điều này – ông chỉ ra cái điểm mà các tờ báo Trung Quốc đả kích “tự do ngôn luận kiểu Tây phương” đều đã lờ đi.

Dịch từ: China Is Using ‘Charlie Hebdo’ to Justify Its Own Crackdown on Free Speech (New Republic)