Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 8 : Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền châu Âu (phần 4)

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 8 : Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền châu Âu (phần 4)

Nam Quỳnh – Ở kỳ trước, bạn đọc đã tìm hiểu về một vụ án có tính bước ngoặt, làm thay đổi quan điểm xét xử của Tòa Nhân quyền châu Âu theo hướng cởi mở hơn và bảo vệ tự do ngôn luận hơn. Kỳ này sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về một số vụ án điển hình khác, minh họa cho quan điểm xét xử mới này.

echr

Được thành lập năm 1959 và đặt trụ sở tại Strasbourg (Pháp), Tòa Nhân quyền châu Âu được coi là thiết chế tòa án khu vực bảo vệ nhân quyền tốt nhất trên thế giới hiện nay. Ảnh: barbwire.com

Trong vụ Albert-Engelmann được phán quyết năm 2006, Tòa Nhân quyền châu Âu quyết định là nhà nước Áo đã vi phạm quyền tự do ngôn luận khi kết tội phỉ báng cho một tạp chí của cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Áo. Số là tạp chí này đã đăng tải một bức thư ngỏ thể hiện ý kiến phê bình thái độ cư xử của một Tổng lãnh phó tế trong một cuộc bầu cử nội bộ của Giáo hội Áo. Nội dung bức thư được cho là những ý kiến đánh giá cá nhân phù hợp với bối cảnh của vụ việc: một cuộc tranh luận chính đáng về việc thực hành dân chủ trong nội bộ Giáo hội Áo.

Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí.

Kỳ 1: Nhà nước phi tôn giáo và ‘nguyên tắc cơ hội’ của nước Pháp

Kỳ 2: Tranh cãi ở phòng xử án

Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng

Kỳ 4: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa

Kỳ 5: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 1)

Kỳ 6: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 2)

Kỳ 7: Cuộc chiến ở Tòa Nhân quyền Châu Âu (phần 3)

Trong vụ Tatlav cùng năm 2006, phóng viên Erdoğan Aydin Tatlav sống tại Thổ Nhĩ Kỳ viết một bộ năm cuốn sách nhan đề Thực tế Hồi Giáo (‘Islamiyet Gerçeği’- The Reality of Islam) trong đó ông phê phán đạo Hồi chính thống hóa bất công xã hội bằng cách diễn dịch những bất công này là “Ý Thánh”. Tatlav bị kết án hình sự tội phỉ báng tôn giáo theo luật Thổ Nhĩ Kỳ và bị tuyên án một năm tù.

Tòa Nhân quyền châu Âu phán quyết là nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm quyền tự do ngôn luận. Việc phạt tù Tatlav không phải là một hình thức giới hạn tự do ngôn luận hợp lý vì sách của Tatlav đóng góp cho công luận trong cuộc tranh luận về vai trò của đạo Hồi với xã hội.

Trong vụ Klein cũng được quyết định năm 2006, Tòa phán quyết là chính phủ Slovakia đã vi phạm quyền tự do ngôn luận khi kết tội phỉ báng cộng đồng người theo Thiên Chúa giáo cho nhà báo Martin Klein sau bài viết của ông phê phán một vị giám mục Slovakia bằng những lời bình phẩm giễu cợt bất nhã dùng ngôn từ tục tĩu. Klein cũng đồng thời úp mở trong bài viết của mình về những cáo buộc là vị tổng giám mục này từng hợp tác với cảnh sát mật chính quyền Cộng sản cũ của Slovakia. Bài viết cũng kêu gọi tín đồ Thiên Chúa giáo từ bỏ tôn giáo này.

Theo Tòa Nhân quyền châu Âu, bài viết nặng lời, tục tĩu và bất nhã của Klein công kích cá nhân vị tổng giám mục chứ không phải toàn bộ cộng đồng người theo Thiên Chúa giáo tại Slovakia dựa trên tôn giáo của họ.

Khi đưa ra quyết định của mình, Tòa phân tích hoàn cảnh của bài viết: Klein viết bài trên để đáp trả lại lời kêu gọi của vị tổng giám mục ủng hộ việc cấm chiếu bộ phim Quần chúng chống lại Larry Flynt tại Slovakia. Bài viết không làm phiền hà gì đến việc tự do thể hiện đức tin và tự do thực hành tôn giáo của những tín đồ Thiên Chúa giáo Slovakia, đồng thời cũng không bôi nhọ nội dung giáo lý của họ. Vì thế, bản án dành cho Klein là không tương xứng với mức độ vụ việc và là một sự xâm phạm quyền tự do ngôn luận của Klein.

Các vụ việc trên cho thấy một thực tế là mức độ đóng góp thực tế vào công luận xã hội vẫn là chuẩn mực phức tạp và khó xác định nhất nhưng đóng vai trò quyết định trong việc phân định ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và sự linh thiêng tôn giáo.

Tòa Nhân quyền châu Âu có vẻ là đã và đang dần dần rời bỏ quan điểm truyền thống bảo thủ khăng khăng bảo vệ tín đồ tôn giáo ban đầu của họ – thể hiện trong các vụ Otto Preminger,  Wingrove để đi đến một quan điểm khác cởi mở hơn về quyền tự do ngôn luận.

Vụ việc gần đây nhất mà Tòa không cởi mở với tự do ngôn luận là vụ I.A. với những tính chất đặc trưng của nó khác với tất cả các vụ còn lại: hành vi xúc phạm tôn giáo diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia gần như toàn bộ dân chúng theo đạo Hồi. Tòa đã công nhận bằng chứng phân tích sự xúc phạm từ các nhà thần học Hồi giáo và xác nhận là nhu cầu bức thiết của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ là mong muốn giới hạn, trừng phạt những ngôn luận, biểu hiện xúc phạm nhà tiên tri Muhammed.

I.A. cho thấy là Tòa Nhân quyền châu Âu vẫn duy trì thái độ mở với những khác biệt về tiêu chuẩn đạo đức và mức độ linh thiêng của tôn giáo giữa các nền văn hóa đa dạng có mặt ở châu Âu, như cách Tòa đã từng xác nhận trong nhiều vụ trước đây: không thể có một tiêu chuẩn chung châu Âu cho các vấn đề liên quan đến đạo đức mà tôn giáo là một trong số đó.

Người viết có thể tạm kết luận (một cách vụng về), từ thực tiễn xử án trong các vụ nói trên, quan điểm mới của Nhân quyền châu Âu là:

Nếu sự thực thi tự do ngôn luận, dù là có tính xúc phạm cảm xúc của cá nhân hay nhóm người theo tôn giáo, nhưng được thể hiện qua những hình thức hạn chế và có tác dụng làm lợi cho công luận – bằng việc đóng góp cho việc tranh luận trong những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích cộng đồng và sự phát triển của cộng đồng – thì việc can thiệp, giới hạn sự thực thi tự do ngôn luận đó phải ở mức tối thiểu và tương xứng với mức độ ác ý của hành vi xúc phạm, phản ánh nhu cầu bức thiết của xã hội, và phản ánh sự cân bằng được mất về quyền trong thực tế vụ việc, chứ không phải là chỉ duy nhất tương xứng với mức độ cảm thấy bị xúc phạm của cá nhân hay nhóm người theo tôn giáo.

Kỳ tới: Đan Mạch và nguồn cơn của vụ Charlie Hebdo

Tài liệu tham khảo:Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitas

di

Eropa, Journal of European Studies, Volume V –

nr

. 1, 2009, p. 22-45. The Danish Cartoons Row:

Re-drawing

the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 . 

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.