Tam quyền phân lập có thể kiểm soát Trump? Chưa chắc.

Tam quyền phân lập có thể kiểm soát Trump? Chưa chắc.
Donald Trump đang đứng trước một cơ hội ngàn vàng. Ảnh: Chip Somodevilla/Getty

Cơ hội vàng cho Donald Trump và đảng Cộng hoà kiểm soát cả ba nhánh chính quyền của Mỹ đã tới.

Donald Trump đang đứng trước một cơ hội ngàn vàng. Ảnh: Chip Somodevilla/Getty

Donald Trump đang đứng trước một cơ hội ngàn vàng. Ảnh: Chip Somodevilla/Getty

Bài liên quan:
Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền toàn thế giới đã điểm?
Tóm lại đại cử tri là cái chi chi? Tại sao Trump ít phiếu phổ thông hơn lại thắng?
Luật sư Mỹ tuyên chiến với 6 chính sách vi hiến của Trump

Nếu không có gì thay đổi (và gần như chắc chắn là sẽ không có thay đổi gì), Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1 sắp tới.

Thông thường, dù bất kỳ ai là tổng thống thì người ta cũng không lo lắng lắm vì chính quyền liên bang Mỹ được thiết kế theo mô hình tam quyền phân lập (separation of powers). Tổng thống nắm quyền hành pháp (executive), lưỡng viện Quốc hội nắm quyền lập pháp (legislative), và Tối cao Pháp viện nắm quyền tư pháp (judicial).

Điều đó có nghĩa rằng văn phòng tổng thống chỉ là 1/3 chính quyền. Ông/bà ta không thể muốn làm gì thì làm. Video sau của TED-Ed sẽ giải thích rõ cơ chế tam quyền phân lập này (bạn có thể chọn phụ đề tiếng Việt nếu muốn):

Nhưng một chuyện khác thường sẽ bắt đầu xảy ra từ ngày 20/1 tới.

Cả lưỡng viện Quốc hội đã nằm trong tay đảng Cộng hoà của Trump

Hiện nay đảng Cộng hoà đang nắm 51/100 ghế tại Thượng viện và 239/435 (55%) số ghế tại Hạ viện.

Như vậy, đảng Cộng Hòa đang kiểm soát cả hai thiết chế hành pháp và lập pháp. Trump sẽ không gặp quá nhiều trở ngại ở Quốc hội nếu muốn thông qua các luật/chính sách.

Trong kịch bản đó, nhánh tư pháp (bao gồm các tòa án), thiết chế cuối cùng trong nhóm “ba cây cột nhà” của hệ thống chính trị Mỹ, trở thành thiết chế duy nhất còn tương đối độc lập, tương đối có khả năng kiểm soát và đối trọng (check and balance).

Nhánh tư pháp kiểm soát tổng thống như thế nào?

Công cụ quyền lực của nhánh tư pháp là quyền giám sát tư pháp (judicial review).

Khi một luật/chính sách có dấu hiệu vi phạm Hiến pháp Mỹ hay xâm phạm quyền cá nhân của người dân Mỹ, Tối cao Pháp viện – tòa án cao nhất của Mỹ và là tòa bảo hiến – sẽ thẩm tra luật hay chính sách đó. Nếu đúng là có sự vi hiến hay xâm phạm quyền, luật/chính sách đó sẽ bị tòa tuyên vô hiệu và không thể được áp dụng trong thực tế.

Tất nhiên, việc xem xét này phải thông qua các vụ án, tức là có người khởi kiện (công tố hoặc người dân đệ đơn), chứ toà không tự mang một luật/chính sách nào đó ra để xem xét.

Thông thường Tối cao Pháp viện có 9 thẩm phán nhưng hiện nay tòa này chỉ có 8 thẩm phán sau khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời hồi tháng 2 năm nay.

Trong số 8 thẩm phán đang tại vị, có 4 người mang tư tưởng pháp lý theo khuynh hướng tương đối tự do (liberal) là Ginsburg, Kagan, Sotomayor và Breyer.

4 người còn lại theo khuynh hướng tương đối bảo thủ (conservative) hơn là Roberts, Kennedy, Thomas và Alito.

Khuynh hướng tư tưởng tại Tối cao Pháp viện hiện nay. Ảnh Luật Khoa hiệu chỉnh từ ảnh gốc của New York Times.

Khuynh hướng tư tưởng tại Tối cao Pháp viện hiện nay. Ảnh Luật Khoa hiệu chỉnh từ ảnh gốc của New York Times.

Những thẩm phán theo khuynh hướng tự do hơn thì thường (nhưng không phải luôn luôn) có những quyết định có lợi cho những nhóm dân thiểu số: người da màu, người đồng giới, người nhập cư v.v. Điều này gần với tư tưởng của đảng Dân chủ.

Đây cũng là những nhóm dân mà Tổng thống Trump trong quá trình tranh cử đã liên tục công kích và thể hiện là ông sẽ có các chính sách bất lợi cho họ.

Những thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ hơn thì thủ cựu, hay dè dặt, và cứng rắn hơn khi đối mặt với các vấn đề bảo vệ và nâng cao quyền của các nhóm dân thiểu số. Theo đó, các thẩm phán này thường (nhưng không phải luôn luôn) có các quyết định theo hướng hướng gần với tư tưởng của đảng Cộng Hòa hơn. Trong nhóm 4 người được các tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm, thẩm phán Kennedy được xem là có mức độ trung dung (moderate) nhất.

Như vậy, dù các thẩm phán không phải là đảng viên của đảng nào, nhưng về tư tưởng thì coi như đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà đang “bất phân thắng bại”, chia đôi ảnh hưởng ở Tối cao Pháp viện.

Trump có thể chi phối nhánh tư pháp như thế nào?

Thẩm phán Tối cao Pháp viện sẽ do Tổng thống bổ nhiệm, nhưng phải được Thượng viện phê chuẩn.

Truyền thống của chính trị Mỹ là các tổng thống Cộng Hòa khi có cơ hội thường bổ nhiệm các thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ, và các tổng thống Dân Chủ thì bổ nhiệm các thẩm phán theo khuynh hướng tự do.

Breyer và Ginsburg được bổ nhiệm thời Bill Clinton. Sotomayor và Kagan là do Barack Obama bổ nhiệm. 4 người bên nhóm theo khuynh hướng bảo thủ là do các cựu tổng thống Bush (cha và con) và Reagan bổ nhiệm.

Tổng thống Obama đã cố gắng đề cử một thẩm phán có khuynh hướng trung dung (moderate) là Merrick Garland trở thành thẩm phán thứ 9 sau khi thẩm phán Scalia qua đời. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ do phe Cộng Hòa kiểm soát đã cương quyết trì hoãn việc bỏ phiếu quyết định về đề cử này, chờ kết quả bầu cử tổng thống.

Ông Garland được Tổng thống Obama đề cử làm thẩm phán Tối cao Pháp viện sau khi thẩm phán Scalia qua đời hồi tháng 2 vừa qua. Ảnh: White House

Ông Garland được Tổng thống Obama đề cử làm thẩm phán Tối cao Pháp viện sau khi thẩm phán Scalia qua đời hồi tháng 2 vừa qua. Ảnh: White House

Giờ đây, nếu Trump cương quyết thực hiện các chính sách đi ngược lại quyền lợi các nhóm dân thiểu số như ông đã hứa – không chỉ trong ngắn hạn mà còn về lâu về dài, gần như chắc chắn ông sẽ loại bỏ những lựa chọn trung dung như Garland và chọn một ứng cử viên theo khuynh hướng bảo thủ cứng rắn.

Ứng cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện sẽ được kiểm tra và chất vấn bởi Ủy ban Tư pháp Thượng viện (Senate Judiciary Committee) – một ủy ban hiện nay bao gồm 11 thượng nghị sĩ (TNS) đảng Cộng hòa và 9 TNS đảng Dân chủ. Các thành viên ủy ban này sẽ dùng lá phiếu để bầu chọn quyết định xem báo cáo với Thượng viện về ứng cử viên như thế nào, bằng một báo cáo tích cực (positive), neutral (trung lập), hay tiêu cực (negative).

Với đa số 51 trong Thượng viện, việc thông qua ứng cử viên mà Trump đề cử có thể diễn ra khá dễ dàng, bất kể báo cáo của ủy ban là gì.

Trường hợp duy nhất phe Dân chủ có thể ngăn được việc bổ nhiệm này là dùng biện pháp Fillibuster để đòi một đa số 60 thì mới cho thông qua ứng cử viên của Trump. Tuy nhiên, theo tờ Economist, các lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện đã cho biết phương án dùng Filibuster sẽ bị xóa bỏ bất kể phe nào giành được đa số tại Thượng viện sau bầu cử.

Như vậy, gần như không có gì ngăn cản ông Trump bổ nhiệm một thẩm phán mới vào Tối cao Pháp viện.

Luật Mỹ không cho Tổng thống Trump sa thải hay cắt lương thẩm phán Tối cao Pháp viện, nhưng luật không ngăn cản ông tận dụng các cơ hội bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện những thẩm phán phù hợp nhất về tư tưởng với ông và/hoặc với đảng ông đại diện.

Như vậy, ông Trump có thể cùng lúc vừa có văn phòng tổng thống, vừa có đa số trong lưỡng viện ủng hộ, vừa có một Tối cao Pháp viện nơi một nhóm đa số (5/9 thẩm phán) theo khuynh hướng bảo thủ.

Ông Trump có ít nhất 4 năm trong Nhà Trắng. Có 2 vị thẩm phán nhóm có khuynh hướng tự do, và 1 vị thẩm phán tương đối khá trung dung bên nhóm có khuynh hướng bảo thủ, là những người đã cao tuổi (Ginsburg 83 tuổi, Breyer 78 tuổi, Kennedy 80 tuổi).

Ông Trump theo đó hoàn toàn có cơ hội bổ nhiệm thêm 3 thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ cứng rắn nếu 3 thẩm phán nói trên qua đời, quyết định từ nhiệm hay tự nguyện về hưu trong 4 năm tới. Việc đó sẽ nâng đa số thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ lên nhiều hơn nữa.

Dĩ nhiên việc này còn phụ thuộc vào tương quan lực lượng ở Thượng viện sau cuộc bầu cử 1/3 số ghế của cơ quan này vào năm 2018.

Hy vọng hay dự báo?

Trong một thế giới hoàn hảo, người tổng thống sẽ cố gắng bổ nhiệm những thẩm phán trung dung, thay vì chính trị hóa tối đa Tối cao Pháp viện. Nhưng, thế giới của chúng ta không hoàn hảo.

Nếu ông Trump chọn việc chính trị hóa Tối cao Pháp viện bằng một hay nhiều bổ nhiệm mang nặng màu sắc tư tưởng chính trị, ông có thể biến cơ quan này thành một tòa án thiên lệch ủng hộ đảng Cộng hòa, thay vì độc lập, trong không chỉ một thời gian ngắn mà rất dài (nhiệm kỳ thẩm phán Tối cao Pháp viện là cả đời cho đến khi qua đời, từ nhiệm, về hưu hay bị Quốc hội luận tội cách chức).

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn là việc chính trị hóa Tối cao Pháp viện không phải là một việc dễ dàng. Các thẩm phán Mỹ được xét tuyển vào Tối cao Pháp viện, bất kể tư tưởng chính trị, đều là những con người đã có tinh thần thượng tôn luật pháp được tôi luyện suốt một sự nghiệp dài.

Một số thẩm phán hoàn toàn có thể quyết định vụ việc đi ngược lại tư tưởng chính trị của bản thân nếu họ thấy cần thiết, hay để chứng minh là họ hoàn toàn không phải là một quân bài của Tổng thống Trump, hay của phe Cộng hòa. Việc này đã có rất nhiều tiền lệ trong lịch sử.

Tuy nhiên, đây là một hy vọng, hơn là một dự đoán. Và nếu ông Trump có nhiều hơn một lần bổ nhiệm thẩm phán trong nhiệm kỳ của mình thì nguy cơ chính trị hóa Tối cao Pháp viện có thể còn nghiêm trọng hơn nữa.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.