Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Thể chế

15 dấu hiệu nhận biết một nhà độc tài

Published

on

Cựu bộ trưởng Mỹ ám chỉ Donald Trump có thể trở thành một nhà độc tài, trong một bài viết đăng vào ngày đầu năm mới.

Ảnh: trofire.com

Sau khi Donald J. Trump trở thành tổng thống đắc cử vào tháng 11 năm 2016, cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich đã có rất nhiều bài viết bày tỏ sự quan ngại về tương lai của nước Mỹ trong 4 năm tới, đặc biệt là những chính sách liên quan đến an sinh xã hội, kinh tế, lương tối thiểu và những cộng đồng yếu thế. Đó là những vấn đề mà ông đã dành cả cuộc đời chính trị để đấu tranh.

Robert Reich là một Facebooker nổi tiếng với hơn 1,7 triệu người theo dõi. Ông giảng dạy tại Trường Hành chính công Kennedy của đại học Harvard trong 12 năm trước khi tham gia nội các của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993. Robert Reich là chủ nhân của giải thưởng Václav Havel năm 1997 và hiện là giáo sư danh dự ngành chính sách công tại Đại học U.C. Berkeley.

Do ảnh hưởng của một căn bệnh di truyền bẩm sinh, Giáo sư Reich là một người rất thấp bé (ông cao chưa đầy 1,50 mét), nhưng ngòi bút của ông thì chưa bao giờ chùn bước trước những gã khổng lồ trong chính trị và kinh tế.

Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu một bài viết ngắn của ông trong ngày đầu tiên của năm 2017 về 15 dấu hiệu cảnh báo của một nhà độc tài mà ông hy vọng không phải nhìn thấy ở Mỹ sau ngày 20 tháng Giêng – là ngày Donald J. Trump chính thức tuyên thệ trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Robert Reich là một cây bút bình luận chính trị nổi tiếng của Mỹ trong hơn 20 năm qua. Ảnh: Rolling Stone/Getty

Dấu hiệu của các nhà độc tài là những gì? Khi các nhà độc tài kiểm soát được những nền dân chủ, họ thường có những dấu hiệu như sau:

1. Thổi phồng vai trò lãnh đạo của họ – chẳng hạn như rêu rao rằng họ đã thắng áp đảo trong kỳ tranh cử vừa qua, trong khi thực tế cho thấy họ đã thua số phiếu bầu trực tiếp (popular vote).

2. Liên tục tuyên bố rằng có vô số cử tri gian lận mà không đưa ra được bằng chứng gì khiến cho người dân chán nản và hạn chế đi bầu trong những lần kế tiếp.

3. Công khai chỉ trích những ai dám chỉ trích họ, gọi những người chỉ trích là “kẻ thù”.

4. Kêu gọi công chúng chống lại giới báo chí bằng cách đặt điều cho báo chí là “xảo trá” và “cặn bã”.

5. Chỉ mở vài cuộc họp báo lấy lệ, thích tiếp cận trực tiếp với công chúng hơn thông qua những buổi mít tinh lớn và những câu phát biểu tùy tiện.

6. Lừa mị công chúng, khiến cho họ nghi ngờ sự thật và từ đó lại tin vào những điều hư cấu có lợi cho những mục đích của nhà độc tài.

7. Quy trách nhiệm của việc khủng hoảng kinh tế cho người di dân, các nhóm tôn giáo hay sắc dân yếu thế, kích động định kiến xã hội và thậm chí cả bạo lực đối với những nhóm này.

8. Quy chụp những vụ khủng bố trong nước là hành vi của “thù trong” nhằm biện minh cho việc tăng cường kiểm soát an ninh quốc gia và giới hạn các quyền tự do dân sự.

9. Đe dọa trục xuất hàng loạt, bắt những nhóm tôn giáo thiểu số đăng ký và cấm người tỵ nạn nhập cư.

10. Tìm cách triệt tiêu hay giảm thiểu ảnh hưởng của những trung tâm quyền lực khác có sức cạnh tranh với nhà độc tài, chẳng hạn như các đảng chính trị đối lập và nghiệp đoàn.

11. Bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các chức vụ cao cấp.

12. Sử dụng những lực lượng bảo vệ riêng chứ không phải là lực lượng an ninh vốn bị công chúng giám sát.

13. Bổ nhiệm các tướng lĩnh và chỉ huy quân đội vào các vị trí dân sự cấp cao.

14. Thiết lập mối quan hệ cá nhân với những tên độc tài nước ngoài.

15. Không xác định rõ ràng sự khác biệt giữa sở hữu cá nhân và sở hữu quốc gia, lợi dụng chức vụ công để mưu lợi.

Bài liên quan:


Tài liệu tham khảo: