Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Quan điểm

Đã có mô hình nào thay thế được dân chủ đại diện?

Published

on

Mặc dù mang lại những lợi ích chưa từng có, song hình thái dân chủ và cụ thể là hình thái dân chủ đại diện vẫn gây nhiều âu lo và buộc các học giả phải đánh giá các mô hình hiện đang tồn tại khác để tìm ra một giải pháp khả dĩ cho tương lai. Tuy nhiên, với sự nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản nhà nước, thách thức từ Trung Quốc cũng như sự thiếu hiệu quả của cơ chế quản trị dân chủ, có rất ít mô hình khả dĩ “thực sự tồn tại trên thực tế” có thể thay thế cho hình thái dân chủ đại diện.

Nếu nhìn vào bản đồ thế giới, có thể thấy hình thái nhà nước chuyên chế hiện chiếm tỷ lệ vô cùng thấp. Trong số 165 quốc gia có dân số lớn hơn 500.000 người, chỉ có 20 quốc gia là còn ở hình thái chuyên chế, 50 quốc gia khác thì ở chế độ lai ghép. Dù còn thiếu sót, song các chế độ lai ghép này thấy buộc phải tự gọi mình là nhà nước dân chủ và tiến hành tổ chức các cuộc bầu cử.

Theo nhà nghiên cứu khoa học chính trị người Bulgaria Ivan Krastev, “Các hệ thống ở Nga và Trung Quốc về cơ bản là những dạng thức điều chỉnh theo thời đại dân chủ hóa: Nga thì giả dân chủ, còn Trung Quốc thì giả cộng sản.” Brazil và Ấn Độ là những mô hình phát triển dân chủ kiểu khác. Trái ngược với “cuộc khủng hoảng niềm tin vào dân chủ” trong những năm 1960 và 1970, ngày nay thật khó tìm ra những ví dụ về những mô hình liền lạc và thuyết phục thay thế cho hình thái dân chủ đại diện. Bài viết dưới đây đề cập đến số ít những mô hình khả dĩ hiện đang được sử dụng để khắc phục những điểm yếu của hệ thống dân chủ.

Dân chủ trực tiếp: quan điểm đa số

Dân chủ trực tiếp và các cuộc bỏ phiếu toàn dân đưa đến một tùy chọn giúp khắc phục những yếu kém của hình thái dân chủ đại diện. Hiện có 37 quốc gia trên thế giới cho phép công dân kiểm soát kết quả chính sách, và nhiều quốc gia khác cho phép tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở cấp cơ sở.

Tuy nhiên, với cấp độ hoạt động chi tiết và sự đa dạng trong thiết kế định chế, việc đánh giá đúng tác động của hình thái này hay khái quát một thiết kế định chế chung cho nó không đơn giản. Chỉ duy áp dụng duy nhất hình thái này sẽ khiến cho các hoạt động nhà nước trì trệ và thiếu sự cân nhắc các ý kiến của nhóm thiểu số. Trong giai đoạn hậu cộng sản, hình thái dân chủ trực tiếp, mà cụ thể là các cuộc trưng cầu dân ý, đôi khi bị nhà cầm quyền lợi dụng để củng cố và mở rộng quyền lực.

Tranh cổ động chụp ngày 16/5/2015 tại Ireland trong cuộc trưng cầu dân ý về quyền hôn nhân đồng giới. Ảnh: Eamonn Farrell/Photocall Ireland

Dù vậy, nghiên cứu cho thấy, dân chủ trực tiếp và hạnh phúc theo cảm nhận của người dân có mối tương quan tích cực với nhau. Nói cách khác, khi nhà nước áp dụng các dạng thức dân chủ trực tiếp rộng rãi và mạnh mẽ bao nhiêu, thì người dân càng thấy hạnh phúc, hài lòng bấy nhiêu.

Thảo luận phi đối kháng: dân chủ được chỉ dẫn bởi giới tinh hoa (?!)

Một mô hình thay thế khác cho mô hình dân chủ đại dại diện là “thảo luận phi đối kháng”. Mô hình này chú trọng đến sự hòa hợp ngầm giữa các lợi ích trong xã hội, và chủ trương có thể đạt được sự hòa hợp này thông qua hình thức thảo luận.

Thường đi kèm với các tính từ mô tả, có thể bắt gặp mô hình này ở các nền dân chủ “có chỉ dẫn” (guided democracry) (như ở Indonesia dưới thời Sukarno), dân chủ “chủ quyền” (sovereign democracy) (nước Nga hiện đại), “dân chủ theo tinh thần Khổng giáo” (Trung Quốc). Thực tế này dẫn đến quan ngại rằng nhiều khả năng tinh thần “phi đối kháng” được chủ trương và áp đặt bởi giới tinh hoa quyền lực hơn là bởi những người dân bình thường. Không chỉ dừng lại đó, nhà cầm quyền có thể dễ dàng làm suy yếu các lối thực hành dân chủ khi sử dụng hình thái “dân chủ với các tính từ mô tả” một cách có chiến lược và mục đích xấu.

Hình thức thảo luận phi đối kháng cũng xuất hiện nhiều tại Mỹ. Tuy nhiên, theo những gì đang diễn ra trên chính trường Mỹ hiện nay, có lẽ hình thức đang được áp dụng phải được gọi một cách chính xác hơn là “phi thảo luận có đối kháng”. Thay vì củng cố những quan điểm đã đồng thuận, các chính trị gia tên tuổi từ cả hai đảng đều chỉ chăm chăm tìm cách ghi điểm bằng cách bày tỏ những khác biệt trong lập trường.

Sức cám dỗ của hình thái chuyên chế

Bài toán quản trị ở các nền dân chủ dẫn tới việc những ưu điểm của chủ nghĩa tư bản nhà nước và hình thái chuyên chế được đưa ra xem xét.

Với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, Trung Quốc có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất cho việc đạt được tính chính danh nhờ vào thành tích hoạt động đáng nể. Tuy vậy, thành tựu kinh tế của Trung Quốc đi kèm với chi phí xã hội lớn và cấp độ bất bình đẳng kinh tế giữa các cá nhân và các vùng miền cao đến ngạc nhiên.

Thứ gọi là “thành tựu kinh tế” để tạo nên tính chính danh của hình thái dân chủ Trung Hoa vẫn chưa thuyết phục. Ảnh minh họa

Nói cách khác, tính chính đáng có được nhờ hiệu quả hoạt động và thành công kinh tế, vốn là yếu tố trung tâm của hình thái chuyên chế, là con dao hai lưỡi. Nhiều yếu tố mà các công dân dựa vào để đánh giá hiệu quả hoạt động của chế độ vượt khỏi tầm kiểm soát tức thời của nhà cầm quyền đương nhiệm. Chẳng hạn, chỉ đến gần đây, điểm đánh giá tín nhiệm tổng thống Nga mới liên quan đáng kể đến hiệu quả kinh tế của đất nước. Do đó, sự sụt giảm hiệu quả kinh tế đã khiến những tuyên bố huênh hoang về các ưu thế của nền dân chủ “toàn quyền” phải nhường chỗ cho những lời kêu gọi đầy tinh thần dân tộc chủ nghĩa và dựng dậy sự độc đáo của Nga.

Khi tìm cách gia tăng niềm tin và sự ủng hộ cho mô hình dân chủ đại diện, các định chế trở thành trọng tâm cần nghiên cứu. Vì định chế chính trị phản ánh quyền lực của nhà cầm quyền, nên động cơ của nhà cầm quyền khi áp dụng những định chế cải thiện chất lượng đại diện và quản trị nhất định cần được hiểu thấu đáo. Đó là nhiệm vụ mà các cố vấn cần thực hiện khi kê đơn chính sách, và thuyết phục nhà cầm quyền áp dụng chính sách./.