Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Biển Đông

Phán quyết Biển Đông: Bá Quyền … “mặt dày” ở Bắc Kinh

Published

on

Việc không công nhận phán quyết về biển Đông ngày hôm nay của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế cho thấy Trung Quốc chỉ làm một việc mà bao nhiêu cường quốc theo chủ nghĩa bá quyền khác đã làm: xem thường pháp luật quốc tế.

Tuần này Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế (Permanent Court of Arbitration – PCA) đã đưa ra phán quyết về các tranh chấp lãnh hải trên biển Đông (hay còn gọi là biển Hoa Nam – South China Sea). Trong một nỗ lực ngăn cản việc Trung Quốc biến biển Đông thành cái ao nhà của họ, Philippines đã đâm đơn kiện yêu cầu tòa xác nhận Trung Quốc không có căn cứ pháp lý trong luật quốc tế cho việc độc quyền xác lập chủ quyền trên toàn bộ các đảo và bãi cạn trong khu vực đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Phần lãnh hải bị tranh chấp chiếm tới 86% diện tích biển Đông. Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã lên tiếng phê bình Trung Quốc khi nước này tỏ vẻ rằng họ sẽ phớt lờ phán quyết của tòa. Một vị quan chức Trung Hoa còn đi xa hơn khi nhạo báng rằng quyết định đó sẽ “không là gì ngoài một mẩu giấy”.

Nghe có vẻ không mang tính Mỹ chút nào nếu phải hỏi rằng, Trung Hoa nên làm những gì chúng ta bảo hay là ngược lại họ nên làm những gì chúng ta làm. Nhưng giả sử nếu có ai đủ can đảm hỏi câu hỏi đó thì sao?

Một Phiên Xử Tòa Trọng Tài Thường Trực – PCA (Nguồn ảnh: mmedia.philstar.com)

Thật sự chỉ là tờ giấy lộn?

Đầu tiên người hỏi câu hỏi đó sẽ phát hiện ra rằng trong lịch sử chưa hề có một thành viên thường trực nào trong Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc tuân theo một phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong bất kỳ vụ việc nào liên quan đến luật biển.

Thực tế là không hề có nước nào trong số năm nước là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc từng chấp nhận bất kỳ một phán quyết gì của bất kỳ một tòa án quốc tế nào nếu họ thấy trong cái nhìn của họ rằng phán quyết đó xâm phạm chủ quyền hay các quyền lợi an ninh quốc gia của họ.

Vì thế, việc Trung Quốc từ chối phán quyết của tòa trong vụ tranh chấp biển Đông không có gì lạ cả: Họ chỉ đang làm việc mà bao đất nước bá quyền khác đã làm trong nhiều thập niên đã qua.

Ngay từ ngày Philippines mới đưa vụ việc ra tòa, Trung Quốc đã cãi là Tòa Trọng Tài Thường Trực không có quyền tài phán trong vụ việc này vì nó liên quan đến “chủ quyền” (sovereignty) – vốn là thứ mà nội dung Hiệp ước về Luật Biển Quốc Tế nói rõ là không dành cho các tòa trọng tài giải quyết. Khi Tòa bác bỏ phản đối của Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã từ chối tham gia các phiên tòa và cho thấy rõ là họ sẽ phớt lờ quyết định cuối cùng của Tòa.

Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã phê bình động thái này của chính quyền Bắc Kinh, nhưng một lần nữa nếu chúng ta đặt câu hỏi các nước khác là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An sẽ làm gì nếu họ gặp hoàn cảnh tương tự Trung Quốc, chúng ta sẽ phải buộc đối mặt với một câu trả lời chẳng thích thú chút nào.

Chó chê mèo lắm lông

Khi Hà Lan kiện Nga ra tòa vì hải quân Nga chặn tàu và bắt giam một đoàn thủy thủ  trên một chiếc tàu của Hà Lan trên vùng biển ngoài khơi của Nga năm 2013, chính quyền Moscow khẳng định rằng rằng Tòa Trọng Tài Quốc Tế không có quyền tài phán trong vấn đề này và từ chối tham gia các phiên xử án. Nga đồng thời cũng phớt lờ lệnh tòa yêu cầu thả đoàn thủy thủ Hà Lan trong khi vụ việc được đưa ra xét xử. Sau khi tòa tuyên Nga vi phạm luật biển và ra lệnh cho chính quyền Moscow trả bồi thường cho Hà Lan, một lần nữa Nga cũng từ chối.

Thủ tướng Anh David Cameron, đoán trước là tòa sẽ ra quyết định vụ tranh chấp biển Đông, đã tuyên bố: “Chúng ta muốn khuyến khích Trung Quốc trở thành một phần của thế giới tôn trọng luật lệ. Chúng ta muốn khuyến khích mọi người cùng tuân thủ các phán quyết giống như thế này.”

Chắc ông Cameron đã quên rằng mới chỉ năm ngoái thôi Tòa Trọng Tài Quốc Tế đã tuyên bố là Liên Hiệp Anh vi phạm luật biển trong việc đơn phương tạo lập Khu Bảo Tồn Biển (Marine Protected Area) trong vùng quần đảo Chagos. Chính quyền Liên Hiệp Anh bất chấp quyết định này và đến nay Khu Bảo Tồn Biển Chagos vẫn tồn tại.

(Tranh minh họa được chế tác lại theo tác phẩm gốc của tác giả Kal, The Economist dựa trên “fair use” và “fair dealing” doctrine; được sử dụng cho mục đích bình luận vấn đề công cộng phi lợi nhuận. Bạn đọc có thể tìm xem tranh gốc của tác giả tại đây)

Hoa Kỳ thì chưa bao giờ bị kiện ra tòa dựa trên Luật Biển cả vì – không như Trung Quốc – chính quyền Washington chưa hề bao giờ thông qua hiệp ước quốc tế liên quan đến luật biển và vì thế không phải tuân thủ nội dung các luật này.

Chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi là các nhà bình luận Trung Quốc sẽ nhấn mạnh điểm này như một cách trả đũa sau khi Tòa Trọng Tại Quốc Tế đưa ra quyết định.

Vụ việc gần tương tự nhất với vụ tranh chấp biển Đông và có sự tham gia của Hoa Kỳ là vụ tranh chấp trong thập niên 80 khi Nicaragua kiện Hoa Kỳ ra tòa vì khai thác khoáng sản trên các vùng biển của Nicaragua. Như Trung Quốc, Hoa Kỳ cãi là Tòa Công Lý Quốc Tế (International Court Of Justice) không có thẩm quyền xử lý đơn kiện của Nicaragua.

Khi Tòa Công Lý Quốc Tế bác bỏ tuyên bố này của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ không chỉ từ chối tham gia các phiên xử án mà còn tuyên bố bác bỏ quyền tài phán của Tòa trong tất cả các vụ việc trong tương lai có liên quan đến Hoa Kỳ, trừ phi chính quyền Washington tuyên bố rõ ràng rằng một vụ việc là ngoại lệ và yêu cầu Tòa xử vụ đó. Nếu Trung Quốc đi theo vết bánh xe này của Hoa Kỳ, họ hoàn toàn có thể rút luôn khỏi Hiệp ước quốc tế về Luật Biển – và theo đó cùng Hoa Kỳ trở thành hai nước duy nhất trên thế giới không là thành viên tham gia trong hiệp ước này.

Trong vụ của Nicaragua, khi Tòa quyết định có lợi cho nước này và ra lệnh yêu cầu Hoa Kỳ trả bồi thường, Hoa Kỳ từ chối và sau đó liên tục phủ quyết sáu nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc yêu cầu Hoa Kỳ tuân theo lệnh tòa. Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc khi ấy bà Jeane Kirkpatrick tóm gọn một cách đầy đủ quan điểm của Hoa Kỳ khi bà ta cáo buộc là Tòa Công Lý Quốc Tế chỉ là “một cơ quan pháp lý nửa chừng và chính trị nửa vời, một cơ quan mà các nước thỉnh thoảng đồng ý và thỉnh thoảng không.”

Quan sát cách mà các thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc cư xử trong thực tế – thay vì nhỉ nhìn vào những gì họ nói, khó mà có thể phản bác lập luận thực dụng chủ nghĩa rằng Tòa Trọng Tài Thường Trực và các tòa án khác tại La Haye – Tòa Công Lý Quốc Tế và Tòa Hình Sự Quốc Tế – chỉ là để bắt nạt những nước “tiểu bá”.

Các nước bá quyền lớn không công nhận quyền tài phán của các tòa án này – trừ một số vụ việc đặc biệt mà họ cho là việc tuân thủ có lợi cho họ.

Nhà sử học Hy Lạp cổ Thucydides từng đưa ra nhận định tổng kết về thời kỳ chiến tranh Peloponnesus rằng “kẻ mạnh thì làm điều họ muốn, kẻ yếu thì phải chấp nhận thương đau”. Có thể là ông ta đã nói quá. Nhưng đúng là sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực quyết định bất lợi cho Trung Quốc, chúng ta hoàn toàn có thể thấy Trung Quốc chỉ đang làm đúng một việc mà bao cường quốc theo chủ nghĩa bá quyền khác đã làm trong lịch sử.

Graham Allison là giám đốc Trung Tâm Belfer về Khoa Học và Ngoại Giao Quốc Tế thuộc trường quản lý hành chính Kennedy của đại học Harvard. Ông đồng thời là tác giả của quyển sách sắp xuất bản, “Định Mệnh Chiến Tranh: Hoa Kỳ, Trung Hoa và chiếc bẫy của Thucydides”./.