Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Sách

Điểm sách: Nhân quyền (1935) – Phạm Huy Lục

Published

on

Năm 1935, cuốn sách “Nhân quyền” của soạn giả Phạm Huy Lục ra đời, trở thành một trong những tài liệu về nhân quyền hiếm hoi trước năm 1945 còn sót lại cho đến ngày nay.

Ông Phạm Huy Lục từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Phó Hội trưởng Hội Nhân quyền Việt Nam thời Pháp thuộc và cũng là chủ nhiệm của Trung Bắc tân văn, một trong những tờ báo lớn nhất trước năm 1945.

Khi cai trị Việt Nam, giới chính trị và trí thức Pháp muốn nhân quyền được áp dụng cho mọi người. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối của giới thực dân, nhân quyền thay đổi theo từng thời kỳ và theo quan điểm của vị toàn quyền Đông Dương.

Do đó, cần phải có một tổ chức độc lập góp phần bảo vệ quyền lợi cho người dân, đó là Hội Nhân quyền.

Hội nhân quyền Hà Nội được lập ra để cố vấn về nhân quyền cho nghị viện; bảo vệ công lý như vụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu; vận động cải cách pháp luật như bãi án tử hình, ân xá, tự do tôn giáo, luật lao động; và nhiều hoạt động bênh vực nhân quyền khác. Hội hoàn toàn không liên quan đến tranh giành quyền lực chính trị.

Cuốn sách “Nhân Quyền” được Phạm Huy Lục biên soạn in năm 1935, lúc đó Hội đã hoạt động được một thời gian và bắt đầu có tiếng tăm. Thành thử, việc biên soạn sách là cần thiết để tránh người dân hiểu sai, biết được lịch sử và phương châm của Hội. Tải sách tại đây.

Bìa sách Nhân quyền do Phạm Huy Lục biên soạn. Ảnh: chụp màn hình.

Hội lấy Lời Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp làm giá trị cốt lõi. Theo Phạm Huy Lục, “lời tuyên ngôn ấy làm tiệt hẳn cái chủ nghĩa cường quyền của cá nhân, vì lời tuyên ngôn ấy không phải dành riêng cho một nước Pháp mà là chung của cả nhân loại”.

Luật Khoa xin trích dẫn các diễn giải của Phạm Huy Lục về lời tuyên ngôn này. Do chữ viết đã lâu nên việc trích dẫn sẽ có sửa đổi một số từ để bạn độc dễ bề tham khảo.

***

Tự do và Bình dẳng

Điều thứ nhất: Người ta sinh ra là được tự do và quyền hạn đều bình đẳng; phàm sự phân biệt trong xã hội, có vì công ích mới đặt ra được.

Đấu giá nô lệ đầu thế kỷ 19 tại Capitol. Ảnh: Internet Archive Book Images Flick.

Người ta sinh ra là được tự do, nghĩa là không có thói nô lệ nữa. Ngày xưa vẫn có nô lệ đen, đến hồi Cách mạng (Cách mạng Pháp) mới bãi đi. Phàm người nô lệ nào dẫm chân vào đất nước Pháp tức thì được tự do.

Ở thời đại phong kiến, những người quí phái đều có thực ấp riêng, bọn nô lệ phải làm suốt đời ở các thực ấp ấy, không được tự chủ và sở hữu tài sản. Từ hồi Cách mạnh đến giờ, người dân Pháp ai muốn đi làm thuê mướn, thì chỉ có thể làm trong một thời hạn nhất định và công việc phải được ấn định trước. Thí dụ một người thợ cày có thể làm việc cày đất, một người bếp có thể nấu ăn; ngoài công việc đã đính ước với chủ thì được tự do, không phải lệ thuộc gì người chủ mướn cả.

Người ta sinh ra, quyền hạn đều bình đẳng. Điều gì người công dân có thể làm mà không trái luật, và điều gì có thể từ chối không làm, mà không trái luật thì gọi là quyền hạn.

Trước hồi cách mạng, các bậc quí tộc, các thầy tu không phải nộp thuế. Chỉ có quí tộc mới được bổ làm quan; bởi vậy người ta nói là chỉ có quí tộc mới được hưởng mọi đặc quyền. Ngày nay, về quyền hạn thì ai cũng bình đẳng như ai.

Tuy nhiên, cũng có cái người ta không được bình đẳng, là vì tạo hóa cho người này được mạnh khỏe hơn người kia, người kia thông minh hơn người nọ, hoặc là vì sự học tập mà người nọ luyện được đức tính hơn người kia.

Cái chức vụ của các quan chức là những sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội, do sự công ích mà đặt ra, nghĩa là quan chức được quyền trông nom những việc có ích chung cho xã hội, thí dụ như coi binh lính, xử án, vân vân. Ngoài những chức vụ do luật đã ấn định, thì quan chức cũng là công dân như các người thường dân khác. Các quan chức cũng hưởng chung những quyền hạn, cũng chịu chung những nghĩa vụ như mọi người công dân, chứ không có đặc quyền gì cả.

Đề kháng sự áp chế

Điều 2: Phàm chính thể nào cũng có cái mục đích bảo thủ những quyền tự nhiên và bất duyệt của nhân dân; những quyền ấy là quyền tự do, quyền sở hữu, quyền an toàn và quyền chống lại sự áp chế.

Chiếm ngục Bastille, tranh vẽ của Jean-Baptise Lallemand. Nguồn: Comelydellarte.

Quyền tự nhiên là do tạo hóa cho người ta, cũng như sự sống, thế cho nên cấm người ta hưởng những quyền ấy là phạm tội rất nặng. Người ta ai cũng được đòi lấy cái quyền tự do, quyền sở hữu, quyền an toàn của mình.

Trước năm 1789, quyền tự do của người Pháp là tùy ý chí, sở thích của nhà vua. Không cần phải làm án, cũng có thể tống giam người ta vào ngục tù được. Hễ mất lòng một nhà quyền quí, là có thể bị tống vào Bastille (Ngục Ba-sĩ-đích). Bởi vậy dân nước Pháp ngày nay đã lấy ngày phá ngục Bastille làm ngày kỷ niệm của toàn quốc. Sau khi phá ngục, dân quê nhiều làng làm loạn phản đối sự chuyên chế của các nhà quí tộc. Bấy giờ Nghị viện mới bãi bỏ những đặc quyền của nhà quí tộc và định cho mỗi xã được quyền bầu một hội đồng xã để quản trị lấy quyền lợi trong xã.

Lời Tuyên ngôn về Nhân quyền có nói đến cái quyền tự nhiên của người dân được cưỡng lại sự áp chế là vì thế. Phàm chính phủ nước nào theo đúng cái tôn chỉ của lời tuyên ngôn thì không có sự áp chế. Bởi vì công dân, ai nấy được tự do giãy bày nỗi oan khuất của mình ở các nơi tụ hội, hoặc qua báo chí, tự do công bố ý kiến của mình bằng cách bầu cử.

Chủ quyền ở Quốc dân

Điều 3: Cái nguyên nhân của mọi chủ quyền là ở quốc dân; không có đoàn thể nào, hay cá nhân nào lại được thực thi quyền lực của mình mà không do quốc dân mà ra.

Lamartine ở phía trước Tòa thị chính Paris bác bỏ lá cờ đỏ tháng 2 năm 1848. Ảnh: National Geographic.

Theo chế độ cũ thì các vua nước Pháp đều nghĩ rằng quyền của mình là do Trời ban cho. Thời vua Louis XIV, Bossuet là giáo chủ thành Meaux, làm sách có câu rằng: “Trời mới thật là vua, nhưng trời lại đặt ra vua để thay Trời mà trị dân. Vậy phải vâng mệnh vua, tức là vâng theo pháp luật… Kẻ nào không vâng mệnh vua là phải tử hình, cũng như kẻ phạm tội đối với sự an toàn của nhân dân”.

Vì những lý thuyết ấy mà vua nước Pháp bấy giờ, nghĩ là có quyền chuyên chế ở thế gian, không còn phải hỏi ai nữa. Vì thế mà Louis XIV đã từng nói: “Quốc gia tức là Trẫm”.

Các bậc hiền triết khởi ra cuộc cách mạng ở Pháp là lấy lý rằng chính phủ không phải do một đấng thiêng liêng nào dựng ra cả, mà chính bởi cái ý chí của tất cả, hoặc đại đa số công dân trong nước mà ra. Phàm điều gì quốc dân đã làm thì quốc dân có thể sửa đổi và bỏ đi được.

Cái nguyên nhân của dân chủ là thế. Vì cái nguyên nhân ấy, nên nước Pháp mới thành ra một nước cộng hòa chính thể. Từ đó, nhiều nước châu Âu cũng noi theo gương nước Pháp; hoặc giả có một vài nước còn giữ chế độ quân chủ, thì chính thể, thực ra cũng không ngoài chính thể dân chủ. Ở những nước quân chủ ấy, theo như hiếp pháp thì vua tức là vị đầu quan trưởng trong nước vậy.

Nước Pháp đã dựng ra nền dân chủ thì lại phải ấn định cả cách thi hành các quyền dân chủ ấy thế nào, bởi vậy mà Lời Tuyên ngôn có định rằng: “Không có đoàn thể nào, hay cá nhân nào lại được thi một cái chính quyền mà không do quốc dân mà ra”. Nghĩa là phàm quan chức, hay hội nghị nào làm một điều gì thuộc về thẩm quyền tất phải do pháp luật định trước, nếu làm quá cái giới hạn là phạm tội lạm quyền. Bởi vậy cái án văn của toà án Tây vẫn phải đề chữ “Thay mặt dân Pháp”.

Quyền hạn và pháp luật

Điều 4: Quyền tự do là quyền được làm những điều gì không thiệt hại đến người khác, bởi vậy việc thi hành những quyền tự nhiên của mỗi người trong xã hội phải lấy việc hưởng quyền tự nhiên của người khác làm giới hạn; các giới hạn ấy duy có pháp luật mới ấn định được.

Trước Cách mạng Pháp, “Salons” là nơi mà mọi người quan tâm thảo luận về các quyền tự do và chính trị. Tranh vẽ: Madame Geoffrin.

Quyền tự do là quyền được làm những điều gì không thiệt hại đến người khác; quyền tự do là quyền quan trọng nhất trong các quyền tự nhiên của con người.

Nhưng tại sao giới hạn quyền tự do lại phải có pháp luật ấn định? Là tuy quyền hạn người ta ai cũng bình đẳng như nhau, nhưng có người vì chức vụ hay tài sản của mình mà thành có quyền thế hơn người khác.

Nếu không có pháp luật ấn định cái giới hạn ấy thì sợ rằng những người có quyền thế lại làm giảm bớt mất cái quyền tự do của người khác đi. Thí dụ, vì thuộc quyền mà quan dưới không dám cưỡng lại ông chủ. Muốn tránh khỏi những sự lạm quyền như thế, nên mỗi người cần phải rõ cái giới hạn quyền tự do của mình ở đâu. Cái giới hạn ấy phải do luật định, mà luật trước khi phê chuẩn, trước khi tuyên bố, phải do công chúng thảo luận.

Giới hạn của Pháp luật

Điều 5: Pháp luật chỉ có quyền cấm những điều có hại cho công chúng mà thôi. Phàm điều gì luật không cấm thì không thể ngăn giữ người ta làm được và điều gì luật không bắt làm thì không ai có thể bị cưỡng bách phải làm.

Điều thứ 4 đã giải thích nghĩa cái quyền tự do của cá nhân giới hạn đến đâu, nhưng điều thứ 5 lại định giới hạn cho cái quyền của nhà làm luật. Không phải là bất cứ hành vi nào của công dân, nhà làm luật được cấm hết đâu, duy chỉ cấm những điều gì có hại cho xã hội mà thôi. Thí dụ, một người công dân, thấy một điều gì là lạm quyền, phản đối bằng lời nói hay bằng báo chí thì có hại gì đến xã hội? Chẳng những không có hại, mà lại có ích cho công chúng nữa. Vậy người công dân nói, hay viết theo ý tưởng của mình thì không thể truy tố hay tống giam, như là ở thời đại chuyên chế.

Chế độ bầu cử bình đẳng trước pháp luật

Điều thứ 6: Luật tức là phát minh của ý chí chung của mọi người; phàm công dân nào cũng có quyền tự mình, hoặc do đại biểu của mình, làm ra luật; dù để bảo hộ hay để trừng phạt, luật đối với mọi người, phải cùng là một cả. Đối với pháp luật, mọi công dân đã là bình đẳng, thì ai cũng có thể tùy tài mà được sung các chức vụ, ngoài cái đức tính tài năng ra, không có gì là phân biệt.

Tranh vẽ cuộc bầu cử của nước Pháp ngày 23 tháng 4 năm 1848. Ảnh: Histoirebatxi-bac.

Đối với chủ quyền trong nước, công dân ai cũng được một phần ngang nhau thì luật dựng lên, đáng lẽ phải do hết thảy mọi người cùng làm.

Nhưng nước rộng và dân đông, thì làm thế nào hợp cả mọi người cùng bàn được? Bởi vậy công dân phải ủy quyền cho các đại biểu do mình cử ra tức là thượng viện và hạ viện để bàn thay cho mình. Nếu quốc dân không có quyền bầu cử ấy, thì không sao thi hành được cái quyền dân chủ do Lời Tuyên ngôn đã công nhận.

Cái quyền của mọi công dân được tham dự vào chính trị trong nước, tức là quyền tự do chính trị.

Ngoài cái quyền tự do, công dân lại còn cái quyền tự nhiên khác nữa, là quyền bình đẳng đã nói ở trên kia. Nhưng ở điều thứ 6 lại kể rõ những quyền bình đẳng ấy thế nào:

1. Bình đẳng về quyền hạn của các công dân đều được tham dự vào chính trị. Bởi thế mà phát sinh ra việc phổ thông tuyển cử.

2. Bình đẳng về sự đối đãi của pháp luật với mọi công dân. Không có luật nào bảo trợ riêng hay trừng phạt riêng một hạng công dân nào.

3. Cái quyền của mọi người đều có thể làm công chức, miễn là có đủ tài năng. Nhưng nếu vì nghèo mà có người không thể học để giúp cho quốc dân được có ích, thì sự bình đẳng ấy là thành vô nghĩa. Bởi vậy nước Pháp mới đặt ra cái lệ cưỡng bách giáo dục và không mất tiền.

Tự do của cá nhân – Sự an toàn của công dân – Sự hình phạt cần thiết

Điều thứ 7: Nếu không đúng các trường hợp do luật đã định và không hợp với các thể thức do luật bắt buộc, thì không ai có thể bị cáo, bị bắt, hay bị giam được. Phàm kẻ nào vận động làm ra những mệnh lệnh ức chế, ban bố, thi hành hoặc cho thi hành những mệnh lệnh ức chế thì phải trừng phạt; song người công dân nào bị đòi hay bị bắt đúng phép thì phải vâng mệnh lệnh ngay; nếu cưỡng thì có tội.

Phiên xét xử lịch xử Alfred Dreyfus, đại úy đầu tiên bị buộc tội oan là phản bội nước Pháp. Nguồn ảnh: Alamy Ltd.

Pháp luật phải đặt ra thể thức để đảm bảo tự do cho các công dân đối với các công chức, vì sợ công chức lại ỷ vào cái quyền mình mà lạm dụng. Thí dụ, cảnh sát bắt được kẻ phạm tội đương trường thì có thể tống giam ngay được. Ngoại lệ , phải có mệnh lệnh của quan tòa án mới có thể tróc nã một người công dân.

Đến khi làm án một người phạm tội cũng vậy, phải theo đúng thủ tục do luật đã định, bằng không thì bản án có thể bị bác đi. Các thủ tục có khi lâu và dài lắm. Là ý nhà làm luật muốn cho người bị cáo có đủ thì giờ, đủ phương pháp mà chống cãi, cho quan tòa được xét kỹ từng việc. Các thể thức, tự nó thì chẳng có ích gì, nhưng có ích là để bảo hộ cho người bị cáo chừng nào cái tội của người bị cáo chưa xét ra là đích thực.

Những mệnh lệnh nào làm không theo các thể thức của luật đã bắt buộc thì gọi là ức chế. Một ông quan tòa ra một cái lệnh ức chế, một viên cảnh sát, hay một người tư gia thỉnh cầu quan tòa làm một cái lệnh ức chế, thì có thể bị truy tố. Cứ như Lời Tuyên ngôn thì dù người bị ức chế cũng có thể do chính phủ trừng phạt.

Nhưng một người công dân có trát tòa án đòi đúng lệ, mà không vâng mệnh tòa thì lại phạm vào luật; nếu cưỡng mệnh thì lại phạm thêm tội nữa.

Điều 8: Luật chỉ được đặt ra những hình phạt nào thực cần thiết mà thôi, và điều luật nào hễ không được đặt và không tuyên bố từ trước khi xảy ra tội phạm và không thi hành đúng phép thì không ai có thể bị trừng phạt theo điều luật ấy.

Không khí đêm ngày 4 tháng 8 năm 1789, Quốc hội Pháp mới thành lập đã ban bố Hiến pháp mới, viết Lời tuyên ngôn nhân quyền, bãi bỏ chế độ phong kiến, quyền lực của các nhóm quý tộc, tăng lữ và miễn thuế. Nguồn: Mount Holyoke College.

Hình phạt muốn cho có hiệu quả thì phải xứng với cái tội phạm. Bởi vậy, luật không được định phạt nặng hơn cái tội phạm phải. Các hình phạt về thân thể thì ngày nay chỉ còn tội tử hình mà thôi, còn các hình phạt về thân thể đều bãi hết. Trước cách mạng, các quan án lại còn tra khảo những người bị cáo để bắt thú tội. Ngày nay, không còn tòa án nào được phép tra khảo hay là hành hạ những người bị cáo. Phàm những sự tàn ác, đều cấm hẳn. Những người chủ ngục hay người coi ngục mà sỉ mạ các phạm nhân thì phải phạt.

Hễ luật không tuyên bố trước khi có tội phạm thì không thi hành đối với người phạm tội được. Bởi thế người ta nói là luật không có hiệu lực về dĩ vãng, vì phần nhiều dư luận hay bị mê hoặc, có khi cái tội rất nhẹ, mà muốn phạt nặng, là vì ghét người phạm tội ấy, có khi tội đáng phạt nặng thì lại muốn tha, là vì người ấy được lòng công chúng. Muốn tránh những sự bất công ấy, cho nên Lời Tuyên ngôn có định rằng luật phải đặt ra trước và tuyên bố từ trước thì mới áp dụng được.

Điều thứ 9: Phàm người bị cáo nào cũng coi như là oan, cho đến khi có bản án kết tội. Nếu xét ra cần phải bắt người ấy thì cũng không được dùng cách tàn nhẫn mà bắt, hễ trái lệ sẽ phải phạt nặng.

Những nước nào theo đúng Lời Tuyên ngôn, như nước Pháp thì trước khi thành án, những người bị cáo không phải tống giam, trừ những khi xét ra không bắt, hay không tống giam trước không được. Việc tạm tha có thể cho không, hoặc bắt ký quỹ một số tiền, nhiều ít tùy quan tòa định. Bởi vậy trong hình luật có cho phép tạm tha, khi nào quan toà cần hỏi đến thì lại đến hầu.

Những người theo phái tự do đã nhiều phen xin hạn chế cái lệ giam lại, vì cái quyền quan toà được phép giam trước khi thành án, hình như trái với Lời Tuyên ngôn, vì trên kia đã nói, hễ chưa thành án thì người bị cáo vẫn coi như là người bị oan vô tội.

Tự do Tín ngưỡng

Điều thứ 10: Không có ai phải lo ngại về tư tưởng của mình, dù về tôn giáo cũng vậy, miễn là sự biểu lộ của mình không trở ngại đến sự trật tự của công chúng do pháp luật định ra.

Hành hình vua Louis XVI. Tranh vẽ của Isidore Stanislas Helman.

Vua Louis XVI khi thụ lễ phong, có thề rằng sẽ diệt hết những bọn ngoại giáo, theo như cái chính sách các vị tiên đế. Những người theo đạo giáo mà không tuân mệnh lệnh của giáo hội, nhiều khi cũng bị tống giam.

Trong khoảng từ vua Loiuis XIV cho đến vua Louis XVI, những người theo đạo mới, bị coi như những kẻ đại ác, chẳng những không được theo đạo ấy mà lại bị đày nữa.

Mãi đến hồi Đại Cách mạng, nhân dân nước Pháp mới được tự do theo tôn giáo nào tùy ý. Nhưng cứ như Lời Tuyên ngôn thì không được biểu tộ tư tưởng về tôn giáo mình mà làm gì đến nỗi rối trật tự. Thí dụ, những việc làm lễ, rước sách hay trẩy hội không được làm trở ngại đến việc lưu thông ở đường phố, hay là khiêu khích nhân dân trong hạt. Những thể lệ ấy đều do các ông xã trưởng định.

Tự do Tư tưởng

Điều thứ 11: Việc tự do thông đạt ý kiến và tư tưởng là một quyền hạn trong các quyền hạn rất quí của người ta. Vậy phàm công dân nào cũng có thể được tự do ngôn luận, tự do sáng tác, tự do ấn hành, trừ ra lạm dụng cái quyền tự do ấy thì phải trách nhiệm theo như pháp luật đã định.

Ngày xưa, tôn giáo đã không được tự do thì tư tưởng còn tự do thế nào được? Bởi thế mà các nhà hiền triết có làm sách gì không hợp với giáo hội, hoặc là dính líu đến hành động của vua hay các quan thì bị truy tố như là kẻ phạm trọng tội vậy. Người thì bị tống giam, còn sách vở thì phải đốt.

Ngày nay, phàm người công dân muốn có ý tưởng thế nào tùy ý, có thể lập hội mà giãi bày ý tưởng của mình với công chúng, tức là tự do lập hội, có thể đem in những ý tưởng của mình thành sách, thành báo tức là tự do ngôn luận.

Song chớ tưởng rằng những sự tự do ấy không có giới hạn: nếu trong khi tụ hội, làm điều gì trái luật, hay là viết sách, viết báo làm điều phạm luật thì có thể bị truy tố tại tòa án. Những nếu lời nói, câu văn không do pháp luật cấm rõ ràng thì không thể phạt được, vì ở điều thứ 5 trên kia đã nói rằng phàm điều gì pháp luật không cấm thì không thể ngăn giữa người ta làm được.

Binh lực dùng cho Công lý

Điều thứ 12: Muốn bảo vệ cho quyền hạn của người ta và của công dân thì cần phải có binh lực; vậy thì cái binh lực ấy đặt ra là vì sự lợi chung cho mọi người, chứ không phải vì sự lợi riêng cho những người giữ cái binh lực ấy.

Binh lực tức là quân lính nhà nước, tức là an ninh, cảnh sát.

Quân lính có trách nhiệm giữ đất nước nước cho quân địch ở ngoài khỏi tràn vào, và giữ cho quyền lợi trong nước khỏi bị xâm phạm. Ở trong, thì các binh sĩ không bao giờ nên quên rằng chính phủ đặt ra binh lực là vì việc công ích cho mọi người. Nghĩa là các tướng sĩ phải tuân theo luật lệ do nghị viện đã đặt ra và phải vâng mệnh lệnh quốc trưởng cùng với các quan nội các, là những người cầm quyền mà các đại biểu toàn quốc đã phó thác cho.

Nếu sẵn binh khí ở trong tay, mà các tướng sĩ lợi dụng để phản đối chính phủ, đem đầy các quan chức và các đại biểu, để mà chiếm lấy quyền chính trị thì các binh sĩ phạm phải tội đảo chính. Từ khi có cuộc cách mạng, nước Pháp phải hai lần đảo chính.

Quyền hạn của công dân về thuế khóa

Điều thứ 13: Muốn bồi bổ cho binh lực và cho nhà nước có tiền để chi tiêu thì cần phải đặt ra thuế công; thuế ấy phải phân bổ cho các công dân cho đều, nghĩa là tùy với cái năng lực của từng người.

Cái tôn chỉ thứ nhất là đối với thuế khóa, mọi người đều được bình đẳng. Ngày xưa, thì không thế, các nhà quí tộc với thầy tu được đóng thuế ít hơn các thường dân. Bởi vậy người ta mới có câu rằng: “Quí tộc đánh đập, thầy tu cầu kinh, công dân nộp thuế”.

Từ hồi cách mạng đến giờ ai cũng phải nộp thuế như nhau cả, phần mỗi người bao nhiêu thì tùy tài sản của từng người.

Thuế có hai hạng là thuế trực thu và thuế gián thu. Trực thu là thuế đánh thẳng vào những chủ sở hữu, như là thuế nhà, thuế đất, còn thuế gián thu là thuế đánh vào những đồ vật của người ta tiêu thụ, ai tiêu thụ nhiều thì nộp nhiều, ai tiêu thụ ít thì nộp ít.

Điều thứ 14: Phàm người công dân nào cũng có quyền được tự mình, hoặc do đại biểu của mình, xét khoản thuế có cần hay không, được tự do ưng thuận khoản thuế, được xét việc chi tiêu thế nào, ấn định cái thuế mỗi hạng bao nhiêu, ấn định cách đánh thuế và thâu thuế cùng là thời hạn thế nào.

Buổi họp khởi động cho Cách mạng Pháp ngày 1/1/1789. Nguồn: De Agostini Editorial De Agostini Getty Images.

Cái tôn chỉ thứ hai là việc ưng chuẩn thuế bởi các đại biểu của dân: đó là cái bảo đảm chắc chắn nhất về nền dân chủ.

Mỗi năm một lần, hai nghị viện nước Pháp bỏ phiếu phê chuẩn dự toán ngân sách, nghĩa là giao cho chính phủ cái quyền được thu thuế và dùng thuế trong một năm. Nếu chính phủ làm sai ý các đại biểu của dân, hoặc là trở ngại đến cái nền dân chủ thì đại biểu của dân không chịu phê chuẩn sổ chi thu, chính phủ một là phải tuân theo, hai là phải từ chức.

Trách nhiệm của Công chức

Điều thứ 15: Bất cứ đối với công chức nào, xã hội cũng có quyền được hỏi đến việc làm của công chức ấy.

Theo như Hiến pháp thì vua là vị quan đứng đầu nước. Thế nghĩa là không có chức vị gì, mà lại không phải trình bày với xã hội cái công việc của mình, dù là bậc đế vương cũng vậy.

Ở các nước quân chủ thì không được chỉ trích vua, nếu dám thì khép vào tội khi quân.

Ở nước Pháp thì không thế, quốc dân không những có quyền chỉ trích những người giữ địa vị tối cao, mà lại được giãi bày ý chí cho các quan tổng trưởng các bộ, cùng tất cả các quan chức thuộc các ti, các bộ nữa.

Bởi vậy mà các đại biểu của dân có quyền chất vấn quan tổng trưởng (tương đương bộ trưởng) một bộ nào về những việc xét ra trái phép. Nếu quan tổng trưởng trả lời không được thỏa ý đại đa số nghị viên thì nghị viện sẽ bỏ phiếu không tín nhiệm nữa và bắt quan tổng trưởng phải từ chức.

Nhờ tự do ngôn luận và tự do tụ hội mà người công dân nào cũng có thể bình phẩm về cách làm việc của quan chức đối với chức vụ, nhưng không phải là bất cứ quan chức làm gì cũng được bình phẩm cả đâu.

Thí dụ, một quan hành chính hay một thẩm phán làm việc gì ở tư gia, thì không việc gì đến công chúng, chức phận người công dân không được can thiệp đến, nhưng nếu một quan chức nào làm quyền hay một quan án xử án trái luật thì người ta có thể bình phẩm vào báo chí hay bằng lời nói được.

Bảo đảm cho Quyền hạn

Điều thứ 16: Phàm trong xã hội nào, các quyền hạn của con người không có gì để bảo đảm và các quyền chính không có phân biệt, thì xã hội ấy không có hiến pháp.

Hiến pháp của Pháp được hoàn thành từ năm 1797-1798. Nguồn ảnh: French Revelution.

Cứ như điều 16 trên ấy thì chỉ những nước tự chủ mới có Hiến pháp. Hiến pháp nghĩa là thể lệ cốt yếu đặt ra để các công dân có thể dự một phần vào chính trị trong nước.

Nước có hiến pháp thật thì cần phải có hai điều kiện:

1. Những quyền tự nhiên đã kể trên kia phải giữ cho mọi công dân đều được thi hành.

2. Các quyền chính của quốc gia cần phải phân biệt.

Quyền chính của nước Pháp chia làm ba thứ: 1. quyền lập pháp; 2. quyền hành chính; 3. quyền tư pháp.

Phân quyền nghĩa là để các quyền ấy mỗi thứ vào một bộ phận khác nhau, chứ không giao vào tay một hạng quan chức coi chung.

Quyền lập pháp là quyền làm ra luật pháp, tức là chức vụ của hai nghị viện.

Quyền hành chính, quyền thi hành các luật pháp tức là chức vụ của quan giám quốc (thủ tướng hoặc tổng thống), các quan tổng trưởng các bộ (các bộ trưởng).

Quyền tư pháp là quyền coi pháp luật, tức là các tòa án.

Ngày xưa ở nước Pháp, các quyền ấy không có phân biệt. Thí dụ, các viên chức thương chính, cảnh sát làm biên bản xong lại tự làm án lấy. Từ hồi cách mạng thì không thế được nữa, những tội phạm phải đệ ra tòa án xử hết.

Ngày nay, lập pháp thì phải do nghị viện, thi hành các luật lệ, phải do quan giám quốc và các quan tổng trưởng, còn xử kiện, làm án thì phải do các quan tòa. Bà quyền ấy không thể do tay một người làm được, và tuy có liên lạc với nhau, nhưng không có phụ thuộc lẫn nhau.

Quyền Sở hữu

Điều thứ 17: Quyền Sở hữu, là một quyền thiêng liêng và không thể xâm phạm, cho nên không có ai bị mất được, trừ ra vì sự công ích bắt buộc hiển nhiên và xét ra đúng phép mà lại có bồi thường trước cho công bằng thì không kể.

Điều thứ 2 Lời Tuyên ngôn đã liệt kê quyền sở hữu vào các quyền tự nhiên của mọi người, ngay sau quyền tự do, vì theo ý các nhà thảo ra Lời Tuyên ngôn thì cái quyền sở hữu không thể rời cái quyền tự do ra được. Duy quyền tự do đã giải thích rõ ràng mà quyền sở hữu thì chưa có ấn định cái giới hạn.

Theo các nhà hiền triết ngày trước thì gốc rễ của quyền sở hữu là ở công việc làm của người ta mà ra, nghĩa là quyền sở hữu do sự hoạt động và sự tự do của người ta mà phát xuất.

Theo như chính thể cũ ở nước Pháp thì cái quyền sở hữu của nhân dân đối với vua không phải là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Thí dụ, khi vua Louis XIV làm thành cần đến nhà đất nào, cứ việc cho phá mà không phải mua, là vua cho rằng cái quyền sở hữu tất cả đất nước là của nhà vua.

Ngày nay, Nhà nước có muốn làm đường xá, dựng trường học, hoặc làm gì có ích chung mà cần đến nhà đất của một người nào thì phải qua các điều kiện sau:

1. Phải có pháp luật công nhận rằng việc đó là lợi ích chung.

2. Không được chiếm không nhà của của tư gia.

3. Phải trả tiền trước cho người bị tịch thu theo như giá tiền nhà đất của người ấy.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Huy Lục – Nhân quyền
  2. Nhân quyền Việt Nam dưới thời quân chủ và pháp thuộc