Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Tư pháp Hình sự

2 lý do nên giám đốc thẩm vụ án Đặng Văn Hiến

Published

on

Đặng Văn Hiến sau phiên toà xét xử phúc thẩm ngày 12/07/2018. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Cơ hội được sống của nông dân Đặng Văn Hiến ngày càng hẹp lại khi ông bị tuyên y án tử hình trong phiên toà phúc thẩm ngày 12/05/2018 vừa qua, trong khi các bị cáo khác thì đều được giảm án.

Thật sự ông Hiến đã bắn những phát súng thể hiện bản chất côn đồ không thể cải tạo được, hay nó chỉ xảy ra vì gia đình anh đã bị ức hiếp trong một thời gian dài kèm theo nỗi sợ khi bị lực lượng hơn 30 người của Công ty Long Sơn bao vây vào buổi sáng định mệnh đó?

Không chứng minh được tính chất côn đồ của ông Hiến

Trả lời phỏng vấn Luật Khoa tạp chí, luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho ba bị cáo là Hiến, Bình và Trường, cho biết biên bản thực hiện nghiệm hiện trường có nhiều mâu thuẫn.

Theo luật sư Quynh, trong biên bản này có 10 điểm bắn khác nhau nhưng lại cực kỳ mâu thuẫn. Ông lý giải: “Bây giờ bạn thử đứng xa 23 mét và kêu người phía trước cởi áo ra, rồi nhằm bắn từng người một. Đây là một khoảng cách rất xa, trong thực tế không thể làm được chuyện này. Trong khi đó, lời khai của những người tại hiện trường là Hiến bị đẩy đi và bắn loạn xạ chứ không phải là ngắm bắn. Tuy nhiên, đây chính là điểm mà Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định Hiến có mức kịch khung tăng nặng thể hiện tính chất côn đồ.”

Hiện trường máy ủi phá vườn điều nhà ông Hiến vào ngày 26/10/2016. Ảnh: Luật sư Nguyễn Văn Quynh.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thạch Thảo, người cùng bào chữa cho ông Hiến, cho rằng ông Hiến chọn khoảng cách từ 20 – 30 mét để nổ súng chứ không phải ở khoảng cách 2-3 mét, rồi nhằm bắn vào đầu và ngực của các nạn nhân.

Với khoảng cách đó Hiến không thể nào có thời gian để nhắm bắn từng vị trí trọng yếu, vì khung cảnh lúc đó hỗn loạn, các công nhân Long Sơn rất máu lửa với đầy đủ công cụ hỗ trợ thì Hiến chỉ bắn loạn xạ với đám đông chứ không thể nói Hiến thực hiện hành vi đó là nhằm bắn và có tính chất côn đồ”, ông nói.

Hành vi giết người có tính chất côn đồ được quy định tại Điểm n của Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, ngoài ra còn được xem là tinh tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại Điều 48 của bộ luật này.

Khi bào chữa, luật sư Quynh lập luận rằng việc áp dụng điều khoản này là không phù hợp khi xét về bối cảnh và tinh thần bị dồn nén trong thời gian dài.

“Chúng tôi đã chứng minh với điều kiện phạm tội trong khoảng từ 4h30 sáng đến 5h00 để chống chọi với lực lượng đông, bố ráp và không cho Hiến ra ngoài. Lực lượng rất hùng hậu và chỉ có một mình Hiến thì áp dụng tình tiết kịch khung tăng nặng là có tính chất côn đồ là không tương xứng”, luật sư Quynh nói.

Hạn chế quyền bào chữa của các luật sư

Trong các vụ án mà bị cáo có thể bị kết án tử hình thì quyền được xét xử công bằng phải được đảm bảo một cách nghiêm ngặt nhất. Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc nêu rõ, các bị cáo trong các vụ án có liên quan đến án tử hình phải được luật sư trợ giúp một cách có hiệu quả trong tất cả các giai đoạn của tiến trình tố tụng.

Ông Đặng Văn Hiến đã không có luật sư tham gia bào chữa ngay sau khi ra đầu thú. Theo luật sư Quynh, Hiến đã khai là có ngắm bắn vào các nạn nhân, tuy nhiên, Hiến khai khi vừa mới ra đầu thú trong trạng thái khủng hoảng tinh thần và không có mặt luật sư, trong khi đó, lời khai của nhân chứng thì không nói đến việc Hiến có ngắm bắn.

Mặt khác, biên bản thực nghiệm hiện trường không có sự tham gia của các luật sư. “Điều này là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự, vi phạm quyền được bào chữa của bị can, bị cáo”, luật sư Quynh nói.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (trái) và luật sư Nguyễn Thạch Thảo.

Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Thạch Thảo cho biết thêm, HĐXX đã hạn chế quyền tranh luận, thẩm vấn, bào chữa tại phiên toà phúc thẩm.

Ông nói rằng các vấn đề mà luật sư đưa ra thì HĐXX lại ngắt ngang là đã biết rồi, và không cần trình bày thêm. “Tương tự trong phần thẩm vấn các bị cáo cũng vậy, HĐXX thường cắt ngang các luật sư và nói rằng vấn đề này trong hồ sơ đã nêu rồi, các luật sư không nên đặt lại câu hỏi. HĐXX cũng không cho các luật sư tranh luận với đại diện của Viện Kiểm sát”, luật sư Thảo cho biết.

Gia đình ông Hiến đã bồi thường cho các gia đình nạn nhân, và được ba gia đình có người thân bị bắn chết viết đơn xin giảm án cho Hiến. Bên cạnh, mặc dù lẩn trốn ngay sau khi gây án, nhưng Hiến đã ra đầu thú cơ quan điều tra và khai báo thành khẩn.

Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Hiến được quy định trong Bộ luật Hình sự. Hơn nữa, ông Hiến đã có nhiều hơn hai tình tiết giảm nhẹ nên toà có thể xét một khung hình phạt liền kề nhẹ hơn, nhưng HĐXX đã không xem xét đến những tình tiết này.

Các luật sư cũng cho rằng phiên toà đã không xem xét đến tình trạng tranh chấp, xung đột bạo lực liên quan đến đất đai không được giải quyết trong gần tám năm đã tạo ra những dồn nén dẫn đến vụ nổ súng ngày hôm đó.

Giám đốc thẩm là gì và được tiến hành như thế nào

Hai luật sư bào chữa cho Hiến cho rằng hiện trường vụ án, việc xác định tính chất côn đồ và các tình tiết khách quan của vụ án cần phải được xem xét. Theo đó, các luật sư sẽ kiến nghị để vụ án được tiến hành giám đốc thẩm.

Vậy giám đốc thẩm là gì? Và ai có thể kiến nghị giám đốc thẩm vụ án?

Hiểu nôm na, giám đốc thẩm là việc toà cấp cao hoặc tối cao xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật của toà cấp dưới, theo kháng nghị của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND do phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Như vậy ở đây có hai bước: Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND phải có kháng nghị lên toà án, sau đó toà án mang vụ án ra xét xử lại.

Đối với trường hợp án tử hình, vụ án đương nhiên được Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc Chánh án TAND Tối cao xem xét xem có cần kháng nghị hay không, theo Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Trường hợp giám đốc thẩm gần đây liên quan đến án tử hình là trường hợp của ông Hàn Đức Long.

Sau bồn lần bị tuyên án tử hình trong 11 năm, phiên toà xét xử giám đốc thẩm vụ án của ông Long năm 2014 đã tuyên huỷ bỏ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó để VKSND tỉnh Bắc Giang điều tra lại. Sau đó, VKSND Bắc Giang đã đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Long.

Có ba căn cứ để yêu cầu giám đốc thẩm bản án, thứ nhất là kết luận trong bản án, quyết định của toà án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; thứ hai là quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến sai lầm nghiêm trọng; và thứ ba là có sai lầm nghiêm trọng khi áp dụng pháp luật.

Như vậy, trường hợp của Đặng Văn Hiến có thể kiến nghị giám đốc thẩm vì các bản án của toà đã không phù hợp với các tình tiết khách quan như đã nêu trong bài viết.

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì người bị kết án hay bất cứ ai cũng có quyền kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm vụ án nếu phát hiện ra các sai phạm gây ra bất công cho người bị kết án.

Địa chỉ họ cần tìm đến là văn phòng của Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao, vốn là hai vị trí có quyền đề nghị TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án này. Theo luật, việc có kháng nghị hay không là nằm trong khoảng hơn hai tháng sau khi bản án có hiệu lực.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:

Điều 367. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành

1. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện:

a) Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao;

c) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

d) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;

đ) Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.

Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình;

e) Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.

2. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ luật Hình sự năm 1999
  2. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015
  3. Sổ tay Theo dõi việc Xét xử trong Tố tụng Hình sự (International Commission of Jurists)