Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Tôn giáo

Các ban tôn giáo trên cả nước tiêu tiền ngân sách vào việc gì?

Rất ít tỉnh, thành công khai ngân sách ban tôn giáo. Nhiều khoản chi tăng vọt không rõ lý do.

Published

on

Ảnh nền: Ban Tôn giáo Chính phủ. Biểu đồ: Luật Khoa.

Một chức sắc tôn giáo thường phải đội lên đầu của mình đến ba chiếc vòng kim cô. Một của Ban Tôn giáo Chính phủ, một của Mặt trận Tổ quốc và một của công an.

Sự tồn tại của ba cơ quan cùng quản lý một ngành này đã gây nhiều tranh cãi trong những năm qua. Trong đó, đáng kể nhất là Ban Tôn giáo Chính phủ.

Năm 2021, dự toán ngân sách của Ban Tôn giáo Chính phủ là 68,5 tỷ đồng, tăng 3,6 tỷ đồng so với năm 2020.

Không chỉ có một Ban Tôn giáo Chính phủ, khắp 63 tỉnh, thành đều có các ban tôn giáo trực thuộc sở nội vụ. Các ban này đều hoạt động bằng ngân sách nhà nước.

Dự toán ngân sách năm 2021 của một số ban tôn giáo tại các tỉnh, thành có mức tăng đáng kể so với năm 2020.

Cụ thể, ngân sách Ban Tôn giáo tỉnh Hưng Yên tăng 37% so với năm 2020, từ 2 tỷ 178 triệu đồng lên 2 tỷ 991 triệu đồng. Ngân sách Ban Tôn giáo thành phố Hải Phòng là 4 tỷ 332 triệu đồng, tăng 539 triệu đồng so với năm 2020.

Năm 2020, chúng tôi tìm thấy thông tin ngân sách dành cho ban tôn giáo của 14/63 tỉnh, thành thông qua các sở tài chính của các tỉnh này. Năm 2021, con số này chỉ còn lại 12. Sở Tài chính tỉnh Hà Giang đã ngừng công khai ngân sách dành cho ban tôn giáo tỉnh mình, còn tỉnh Sóc Trăng thì chưa công khai chi tiết dự toán của các cơ quan.

Ban Tôn giáo Chính phủ chi hơn 3 tỷ đồng để “hoạt động kinh tế”

Trong năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tiêu hết 64 tỷ 863 triệu đồng so với dự toán ngân sách là 64 tỷ 250 triệu đồng. Báo cáo quyết toán năm 2020 của cơ quan này vẫn chưa được công khai.

Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan duy nhất của Bộ Nội vụ chi tiền cho “sự nghiệp bảo vệ môi trường” vào năm 2019. Họ chi 885 triệu đồng cho mục đích này, nhưng không có thông tin chi tiết.

Chi phí nhiều nhất của cơ quan này trong năm 2019 là chi phí quản lý hành chính, 56 tỷ 502 triệu đồng.

Các khoản chi khác cũng được liệt kê rất chung chung, như chi “sự nghiệp khoa học công nghệ” 1 tỷ 80 triệu đồng, “sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề” 2 tỷ 860 triệu đồng, “hoạt động kinh tế” 3 tỷ 38 triệu đồng, và “sự nghiệp văn hóa thông tin” 498 triệu đồng.

Năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ chi hơn 3 tỷ đồng cho “hoạt động kinh tế”. Ảnh: Bộ Nội vụ.

Chỉ có hai cơ quan của Bộ Nội vụ có khoản chi “hoạt động kinh tế” trong năm 2019, nhưng đều thấp hơn rất nhiều so với khoản chi hơn 3 tỷ đồng của Ban Tôn giáo Chính phủ. Đó là Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (800 triệu đồng), và Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (1,6 tỷ đồng).

Có một khoản chi tăng vọt trong dự toán năm 2021 của Ban Tôn giáo Chính phủ, đó là chi cho “sự nghiệp văn hóa thông tin”. Khoản chi cho mục đích này trong năm 2019 chỉ là 498 triệu đồng. Dự toán năm 2020 không có khoản này, nhưng đến năm 2021 thì khoản chi được nâng lên thành 6 tỷ đồng, tăng 12 lần so với năm 2019. Khoản chi “hoạt động kinh tế” không được nêu trong dự toán năm 2021 của cơ quan này.

“Kinh phí hỗ trợ đặc thù ngành tôn giáo”

Không cho biết một cách chung chung như Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa đã công khai thông tin chi tiết về những khoản chi của mình.

Năm 2021, ban tôn giáo tỉnh này được cấp 2 tỷ 136 triệu đồng. Trong đó, dự chi hơn 900 triệu đồng cho việc vận hành, chủ yếu để trả lương; 500 triệu đồng để tặng quà, thăm viếng, xăng xe của cơ quan; 350 triệu đồng cho kinh phí tuyên truyền chủ trương của đảng, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và các thủ tục hành chính; 90 triệu đồng để mua máy photocopy và máy tính.

Tuy nhiên, tỉnh này cũng có một khoản chi khó giải thích có tên là “kinh phí hỗ trợ đặc thù ngành tôn giáo”. Khoản này là 96 triệu đồng cho năm 2021.

Phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo là khoản chi lớn của các ban tôn giáo địa phương. Ảnh: Chùa Hoằng Pháp.

Tình hình công khai ngân sách của ban tôn giáo các tỉnh, thành không thống nhất.

Các sở tài chính ở nhiều tỉnh, thành khác thường không công khai dự toán cho các ban tôn giáo, công khai không đầy đủ hoặc đường dẫn đến tệp dữ liệu bị hỏng, như tỉnh Quảng Ninh.

Các sở nội vụ cũng tương tự như các sở tài chính, có nơi công khai chi tiết dự toán dành cho ban tôn giáo tỉnh mình, có nơi thì chưa.

Chẳng hạn, Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai đã công khai chi tiết dự toán năm 2021 dành cho ban tôn giáo tỉnh này lên đến 9 tỷ 840 triệu đồng. Trong đó, 3 tỷ đồng chi cho “kinh phí xăng xe và thực hiện theo Quyết định số 24/2012/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 (Mật)”; 1 tỷ 225 triệu đồng để sửa chữa trụ sở; 1,5 tỷ đồng để tổ chức hội nghị triển khai các văn bản pháp luật về Tín ngưỡng, tôn giáo.

Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau thì đến nay vẫn chưa công khai dự toán ngân sách năm 2021 trên website.

Hà Tĩnh chi “chính sách tôn giáo” 5 tỷ đồng, gấp 4 lần năm 2020

Tỉnh Hà Tĩnh có một khoản chi mà chúng tôi chưa thấy ở báo cáo của các tỉnh, thành khác. Khoản chi đó có tên là “chính sách tôn giáo”. Năm 2020, mục này được tỉnh dự chi là 1,2 tỷ đồng nhưng năm 2021 là 5 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần.

Dự toán ngân sách của Hà Tĩnh không giải thích chi tiết về khoản chi này.

Trong khi đó, ngân sách năm 2021 của Ban Tôn giáo của tỉnh Hà Tĩnh đã giảm nhẹ từ 1 tỷ 553 triệu đồng năm 2020 xuống còn 1 tỷ 457 triệu đồng. Mục chi tăng vọt bất thường có tên “chính sách tôn giáo” của tỉnh này vẫn là một bí ẩn.

Tỉnh Khánh Hòa cũng có một khoản chi 500 triệu cho “chính sách tôn giáo” nhưng mục này được gộp vào tổng chi phí của ban tôn giáo tỉnh. “Chính sách tôn giáo” của Ban Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa là các khoản chi như thăm ốm, viếng tang, quà tặng, xăng xe…

Chi tiền cho Hội Nông dân hoạt động tôn giáo?

Theo dự toán năm 2021, Ban Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa có một khoản chi 30 triệu đồng cho một hoạt động giữa Hội Nông dân và Ban Tôn giáo tỉnh này.

Hoạt động này được ghi cụ thể là “tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và nhà nước” theo chương trình năm 2017 giữa Hội Nông dân Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ.

Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tôn giáo Chính phủ và Hội Nông dân năm 2017. Ãnh: Hội Nông dân Việt Nam.

Năm 2017, Hội Nông dân Việt Nam cho biết một trong những hoạt động hợp tác của hội đối với Ban Tôn giáo Chính phủ là “vận động nông dân tố giác kẻ xấu lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đoàn kết dân tộc”.

Các tỉnh trọng điểm thực hiện hoạt động tố giác trên là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, An Giang và Tây Ninh.

Đây là chương trình phối hợp giữa hai cơ quan từ năm 2012, kéo dài đến năm 2022.

Trong danh mục quy định về bí mật nhà nước của Hội Nông dân, thông tin về “thực trạng nông dân có diễn biến tư tưởng, nhận thức, hoạt động chống đối gây ảnh hưởng đến chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội tại vùng điểm nóng về vấn đề dân tộc, tôn giáo” được xem là thông tin mật của nhà nước.

Đọc thêm: 7 bí mật nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo có thể làm bạn bất ngờ