Đây là trang lưu trữ của Luật Khoa và không còn được cập nhật.
Connect with us

Quan điểm

Xã luận: Cánh tả, cánh hữu, và Trump

Published

on

Lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đến từ 7 quốc gia Hồi giáo Trung Đông đang gây tranh cãi dữ dội ở Mỹ cũng như ở… cộng đồng mạng Việt Nam. Cả phía ủng hộ lẫn phía phản đối chính sách của ông Trump đều dành cho nhau những lời chỉ trích gay gắt, gọi nhau là “bọn thiên tả”, “phe thiên hữu”.

Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người đủ bình tĩnh để tìm hiểu về một khía cạnh sâu xa của cuộc tranh cãi: Không chỉ là giữa bên phản đối và bên ủng hộ Trump, nó còn là cuộc tranh cãi phản ánh mâu thuẫn giữa hai thành tố quan trọng của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ, là bình đẳng và trách nhiệm.

Phản đối Trump? Có thể bạn theo chủ nghĩa tự do

Chủ nghĩa tự do (liberalism) được đặc trưng bởi một loạt thành tố, hay nói cách khác, nói tới chủ nghĩa tự do là người ta nói tới: 1. Chủ nghĩa cá nhân; 2. Tự do; 3. Lý trí, sự duy lý; 4. Bình đẳng; 5. Tinh thần khoan dung, chấp nhận; 6. Sự đồng ý tự nguyện (đồng thuận); 7. Hợp hiến.

Chiếu theo đó thì chính sách hạn chế người nhập cư của Donald Trump vi phạm gần như tất cả các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do.

Tôn vinh chủ nghĩa cá nhân được coi là nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa tự do, không có chủ nghĩa cá nhân thì không tồn tại chủ nghĩa tự do. Cụ thể, chủ nghĩa cá nhân quan niệm cá nhân quan trọng hơn bất kỳ tổ chức hay cộng đồng nào, coi con người trước hết là những cá nhân bình đẳng về giá trị, và cho rằng xã hội tốt đẹp là xã hội để cho mỗi cá nhân phát triển bản thân, theo đuổi lợi ích riêng phù hợp với khả năng của mình. Như vậy, khi hạn chế người đạo Hồi nhập cư vào Mỹ, Donald Trump đã đặt nước Mỹ lên trên công dân bảy nước Hồi giáo nọ, đã ngăn trở, không để họ mưu cầu hạnh phúc.

Chủ nghĩa tự do gắn với tôn trọng nhân quyền và bình đẳng, và bản thân khái niệm nhân quyền cũng dựa trên cây cột trụ có tên “bình đẳng”: Nhân quyền là những quyền cơ bản, phổ quát của tất cả mọi người; tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng về nhân quyền. Tôn trọng nhân quyền cũng có nghĩa là đòi hỏi mọi người phải được đối xử với sự tôn trọng như nhau, ví dụ như không thể có chuyện “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai cũng là có, mà 10 con gái cũng là không). Tương tự, không thể quan niệm “nhân quyền Mỹ” thì khác với “nhân quyền Việt Nam”, người Mỹ có thể tự do phát triển mọi năng lực bản thân còn dân Việt Nam thì chỉ cần “có cơm ăn áo mặc” là đủ rồi.

Trong số các nhân quyền (mà ai ai cũng được hưởng), có quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do đi lại. Khi hạn chế dân Hồi giáo vào Hoa Kỳ, có thể nói, Donald Trump đã mặc nhiên coi họ là một đối tượng không giống con người, hoặc thấp kém hơn những người khác.

Biểu ngữ “Tự hào là một người nhập cư”, “Người tị nạn không phải khủng bố”, “Không phải Tổng thống của tôi” tại một cuộc biểu tình ngày 29/1 tại Seattle phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump. Ảnh: AP Photo/Elaine Thompson.

Chủ nghĩa tự do còn được cấu thành bởi thành tố “hợp hiến”, tức là tuân thủ hiến pháp – luật cơ bản, luật nguồn của các luật, quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền lực và quyền hạn của nhà nước, quan hệ giữa nhà nước với người dân, và quyền của người dân (nhân quyền, dân quyền). Vậy nên sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump, nếu vi hiến, cũng là vi phạm chủ nghĩa tự do.

Do vậy, một người nhiệt thành theo chủ nghĩa tự do thì không thể nào ủng hộ Donald Trump và lệnh hạn chế nhập cư của ông.

Cánh tả (left wing) trong chính trị cũng nhấn mạnh sự bình đẳng trong xã hội, coi đó là giá trị cốt lõi. Vì thế cho nên, những người theo chủ nghĩa tự do, nếu tập trung đẩy mạnh khía cạnh bình đẳng và công bằng xã hội, cũng được coi là có thiên hướng cánh tả. Đó là lý do vì sao những tờ báo phản đối Trump trong thời gian vừa qua đều bị gọi là “truyền thông cánh tả”.

Phản đối Trump? Có thể bạn là nhà hoạt động nhân quyền

Nếu bạn theo đuổi mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, thì phương châm sống mà bạn phải thi hành là: tôn trọng mọi người và đối xử với mọi người với sự tôn trọng, trân quý hệt như nhau. Xét về khía cạnh nhân quyền, những người Hồi giáo đến từ bảy nước trong “danh sách đen” mà Donald Trump đưa ra (Syria, Iran, Sudan, Libya, Somalia, Yemen và Iraq) không khác gì với ba triệu đồng bào Việt Nam vượt biển, vượt rừng tị nạn những năm sau 1975, cũng không khác gì hàng trăm nghìn người Việt Nam đang tìm đường tị nạn trong vài năm qua, hiện đang lay lắt ở Thái Lan, Campuchia, Malaysia… chờ ngày ra đi. Tất cả đều cần được tôn trọng và bảo vệ nhân quyền.

Một lập luận khác nữa để phản đối Trump là ông đã “vơ đũa cả nắm”: Không phải tất cả những công dân Hồi giáo nhập cư vào Mỹ đều là phần tử cực đoan, khủng bố hay lao động nhập cư bất hợp pháp. Trên thực tế, trong số những người bị tạm giữ tại các sân bay của Mỹ, có rất nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh, trí thức… Có nghĩa là, phần lớn người bị ảnh hưởng bởi chính sách của Trump là những người Hồi giáo ôn hòa. Họ đã bị ngược đãi, bị hàm oan vì sự “vơ đũa cả nắm” của chính quyền Donald Trump.

Ủng hộ sắc lệnh? Có thể bạn là người theo chủ nghĩa bảo thủ

Chủ nghĩa bảo thủ (conservatism) được đặc trưng bởi các yếu tố: 1. Tôn trọng truyền thống; 2. Chủ nghĩa thực dụng; 3. Quan niệm “con người không hoàn hảo”; 4. Tôn trọng trật tự, tôn ti, thứ bậc; 5. Nhấn mạnh trách nhiệm; 6. Đề cao sở hữu tài sản.

Chủ nghĩa bảo thủ tôn trọng truyền thống, lịch sử và các thiết chế lâu đời, có lẽ vì thế mà nó bị gọi là “bảo thủ”. (Từ “conservatism” thực ra có nghĩa là bảo tồn, nhưng người Việt từ lâu nay vẫn quen với cách dịch nó thành “bảo thủ”).

Chủ nghĩa bảo thủ có quan niệm khá bi quan về con người: Năng lực có giới hạn, phụ thuộc, dựa dẫm; về mặt đạo đức thì tham lam, ích kỷ, thèm khát quyền lực và danh lợi. Vì lý do đó, triết lý của chủ nghĩa bảo thủ đề xuất nhà nước mạnh, luật pháp nghiêm minh để đảm bảo duy trì trật tự và kiểm soát những mặt tiêu cực tự nhiên của con người.

Khía cạnh thú vị nhất của chủ nghĩa bảo thủ, theo người viết bài này, là việc đề cao tôn ti trật tự và trách nhiệm. Chủ nghĩa bảo thủ quan niệm mỗi người trong xã hội đều có vai trò và trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhau, như chủ với thợ, giáo viên với sinh viên, bố mẹ với con cái, v.v.

Chủ nghĩa bảo thủ đề cao việc sở hữu tài sản, coi đó là điều quan trọng để giúp con người được an toàn và độc lập trước chính quyền. Tuy nhiên, ngay cả sở hữu tài sản thì cũng phải đi liền với trách nhiệm. Người giàu có, may mắn phải có trách nhiệm với người nghèo khổ, bất hạnh, v.v. Tự do luôn phải đi cùng với trách nhiệm, mỗi người phải sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm và nghĩa vụ.

Ở Mỹ, một người theo chủ nghĩa bảo thủ được hiểu là người có quan niệm: Xã hội phải sống có đạo đức, được dẫn dắt bởi truyền thống và tôn giáo, không phải bởi thị trường tự do. Xã hội phải có tôn ti trật tự, thứ bậc, ai cũng biết vai trò và trách nhiệm của mình. Nhà nước thì phải hạn chế can thiệp kinh tế (để đảm bảo tự do kinh tế cho người ta sở hữu và phát triển tài sản của mình), nhưng về mặt xã hội, lại cần can thiệp nhiều để giữ gìn truyền thống, trật tự và đạo đức – chẳng hạn như cấm văn hóa phẩm đồi trụy, chống nạo phá thai, cổ súy hôn nhân bền vững và chung thủy v.v.

Ở khía cạnh nhấn mạnh vào tôn ti trật tự trong xã hội và tự do kinh tế này, chủ nghĩa bảo thủ không đề cao sự bình đẳng như là một giá trị cần theo đuổi; và vì thế so với chủ nghĩa tự do thì nó có khuynh hướng “hữu” hơn. Những người bảo thủ được coi là đi theo thiên hướng chính trị cánh hữu (right wing).

Người ủng hộ Tổng thống Trump cấm nhận người tị nạn cũng không ít. Ảnh chụp lại sân bay Los Angeles ngày 29/1 vừa qua (REUTERS/Ted Soqui).

Nếu là một tín đồ của chủ nghĩa bảo thủ, có thể bạn sẽ ủng hộ chính sách hạn chế nhập cư của Donald Trump. Có thể bạn sẽ lập luận: Vâng, đúng là tất cả mọi người đều bình đẳng về nhân quyền căn bản, nhưng họ không thể bình đẳng về xã hội được, và còn vấn đề trách nhiệm thì sao? Người Hồi giáo đến từ bảy quốc gia kia cũng có quyền tự do đi lại và mưu cầu hạnh phúc, nhưng liệu họ có trách nhiệm với xứ sở mà họ nhập cảnh vào?

Không phải tất cả họ đều là phần tử cực đoan, khủng bố. Nhưng giả sử trong số hàng trăm nghìn người Hồi giáo vào Mỹ đó, có một hoặc vài tên khủng bố, sát nhân, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về chính sách mở cửa biên giới?

Là người đứng đầu nhà nước, Donald Trump phải có trách nhiệm với 320 triệu dân Mỹ, với cuộc sống bình yên của họ, với trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Khi sức ép đổ dồn lên chính quyền Donald Trump, buộc Tổng thống phải cân bằng giữa nhân quyền và an ninh, ta có thể hình dung việc ra quyết định không dễ dàng chút nào.

Mâu thuẫn kinh điển giữa tự do và an ninh

Các học giả về chính trị cũng hay nhắc tới một mâu thuẫn luôn tồn tại giữa nhân quyền – hay các quyền tự do của con người – và việc đảm bảo an ninh chung.

Một ví dụ rất thường được đưa ra để nói về mâu thuẫn này là: Cảnh sát có thể tra tấn một kẻ tình nghi khủng bố (tức là vi phạm nhân quyền của anh ta) để moi thông tin về các cuộc tấn công sắp xảy ra, nhằm bảo vệ an ninh hay không?

Người ta cho rằng ở các nước Âu-Mỹ, với dân trí cao, công dân thường không dễ chấp nhận hy sinh tất cả an ninh để đổi lấy tự do tuyệt đối, cũng không hy sinh tất cả tự do để đổi lấy an ninh, an toàn tuyệt đối. Vì vậy, tại các quốc gia này, luôn luôn tồn tại nhiệm vụ đau đầu là phải xác định lằn ranh giữa hai thứ mà tất cả mọi người đều đòi hỏi: tự do và an ninh.

Tại các nước kém dân chủ, hoặc nước độc tài, từ mâu thuẫn trên lại nảy sinh vấn đề “nhân danh”: Nhà nước nhân danh “bảo vệ an ninh quốc gia” để hạn chế, thậm chí chà đạp lên tự do của người dân. Đây là câu chuyện đã quá phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam, và nhiều nơi khác.

Ở chừng mực nào đó thì có thể nói chính Donald Trump cũng đang “nhân danh” việc gìn giữ an ninh của nước Mỹ để xâm phạm quyền của người Hồi giáo trên cơ sở kỳ thị tôn giáo và sắc tộc.

Bạn ủng hộ hay phản đối sắc lệnh?

Cuối cùng, với tất cả những tranh cãi xoay quanh sắc lệnh hành chính của Donald Trump, câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta đặt ra, nếu có quan tâm, là: Bên nào đúng? Ta ủng hộ ai, tả hay hữu?

Câu trả lời tùy vào giá trị mà bạn theo đuổi, hay điều mà bạn coi trọng nhất: Nhân quyền phổ quát? Bình đẳng? Trách nhiệm? An ninh quốc gia?

Khi trả lời câu hỏi ấy, chúng ta cũng đừng quên một vài tiền đề: Khi giá trị nhân quyền bị chà đạp ở một nơi, không có gì đảm bảo nhân quyền ở những nơi khác sẽ được vẹn toàn. Đồng thời, khi một chính sách được ban hành, không thể đảm bảo tất cả mọi người, mọi nhóm xã hội sẽ đều hưởng lợi từ nó và tán thành nó; vấn đề là làm sao để nó không gây thiệt hại quá lớn cho một nhóm nào đó một cách quá bất bình đẳng.

Bạn có đồng ý với phân tích của bài này không? Nếu không, hoặc bạn muốn bình luận thêm, xin vui lòng gửi bài cho Luật Khoa tạp chí tại địa chỉ editor@luatkhoa.org.


Ảnh minh hoạ đầu bài: Forbes.

Tài liệu tham khảo:

  • “Politics”, Andrew Heywood, 3rd edition, Palgrave Foundation, 2007.
  • “Governing: An Introduction to Political Science”, Austin Ranney, 8th edition, Prentice Hall, 2001.
  • “Political Philosophy – A Complete Introduction”, Phil Parvin & Clare Chambers, McGraw-Hill Companies, Inc., 2012.