5 quyển sách để nghiền ngẫm trong mùa sống chậm

5 quyển sách để nghiền ngẫm trong mùa sống chậm
Ảnh: Getty Images.

“Một quyển sách đúng là một tạo vật kỳ diệu. Nó là thứ dẹp dẹp được làm ra từ cây, với các phần tách liền nối vào nhau, trên đó in dấu rất nhiều những đường vẽ nguệch ngoạc thích mắt. Nhưng chỉ cần lướt qua nó thôi, ngay lập tức bạn đã du hành vào trong tâm trí của một người khác, một người có thể đã chết từ hàng ngàn năm trước. Vượt qua khoảng cách cả ngàn năm, một tác giả nào đó đang cất tiếng trong đầu bạn, trò chuyện trực tiếp với bạn, rành mạch, rõ ràng và trong tĩnh lặng. Chữ viết có lẽ là phát minh vĩ đại nhất của nhân loại. Nó kết nối những con người không hề quen biết, những người sống ở những thời đại cách xa nhau. Các quyển sách phá vỡ mọi hàng rào của thời gian. Sách là bằng chứng cho thấy con người có thể tạo ra phép thuật.”

Đó là cách nhà thiên văn học Carl Sagan mô tảvề sách.

Đối với nhiều người, những quyển sách là phương thuốc diệu kỳ.

Chẳng vậy mà nhà triết học người Pháp Montesquieu từng nói, “tôi chưa từng trải qua cơn phiền muộn nào mà không thể được xoa dịu sau một tiếng đồng hồ nghiền ngẫm trong trang sách”.

Vào những thời khắc khủng hoảng của xã hội, khi mỗi người đều phải đối diện với đủ loại sợ hãi khác nhau, sách đích thực là người bạn/ người thầy/ bác sĩ/ tri kỷ đáng trân trọng.

Mùa sống chậm là thời điểm không thể thích hợp hơn để bạn tìm lại cân bằng trong thế giới đầy phép lạ của những tranh sách.


“Nghệ thuật tư duy rành mạch”

Tựa tiếng Anh:  The art of thinking clearly

“Nghệ thuật tư duy rành mạch” của tác giả Rofl Dobelli. Ảnh: Zing.

Hãy thử tưởng tượng một tình huống dưới đây.

Bạn viết một bản phân tích ngắn về tình hình thị trường chứng khoán, và dự báo giá trị chứng khoán vào tháng sau. Bạn làm thành hai bản, một nói về những thuận lợi và dự báo giá cổ phiếu sẽ tăng, bản còn lại nói về các thách thức và dự báo giá sẽ giảm. Bạn gửi bản dự báo tăng đến 50.000 người, bản dự báo giảm đến 50.000 người khác. Tháng sau, căn cứ vào tình hình thực tế (tăng/ giảm) của thị trường chứng khoán, bạn lại soạn tiếp hai bản dự báo tăng/ giảm cho tháng tiếp theo. Bản dự báo mới này chỉ gửi đến cho 50.000 người đã nhận được dự báo đúngcủa bạn vào tháng trước. Trong đó, 25.000 sẽ nhận được dự báo thị trường tăng điểm, 25.000 là giảm điểm vào tháng kế tiếp. Cứ như vậy, lặp lại động tác này cho nhóm nhận được “dự báo đúng” vào mỗi tháng tiếp theo. Sau 10 tháng, sẽ có khoảng 100 người còn sót lại từ danh sách 100.000 ban đầu. Những người này trong suốt gần một năm qua tháng nào cũng nhận được dự báo chính xác như thần của bạn. Với họ, bạn hoặc là thiên tài hiếm hoi còn sót lại trên đời, hoặc chính là thánh sống từ trên trời rớt xuống. Giờ đây, bạn hót gì họ cũng sẽ răm rắp ca theo.

Trên đây là tình huống được nêu ra trong sách để minh họa cho “thành kiến quy nạp” (inductive thinking), hay nói nôm na là thứ tư duy “mình ta suy ra tất cả” – chỉ dựa vào những sự việc đơn lẻ xảy ra với bản thân mà cho nó là quy luật tất yếu của sự sống, áp đặt lên tất cả mọi thứ trên đời.

Đó là ví dụ giả định, nhưng bạn có thể thấy nó diễn ra nhan nhản trên thực tế qua vô số dạng thức khác nhau.

Các bà thầy bói dẻo miệng, những tay lừa đảo khôn lỏi, các doanh nhân bịp bợm hay những nhà lãnh đạo khoác lác đều lôi kéo được hàng đống người hâm mộ với cùng nguyên lý trên (tất nhiên tổng hợp thêm nhiều lý do khác).

“Nghệ thuật tư duy rành mạch” của tác giả Rolf Dobelli liệt kê ra 99 loại thành kiến/ lỗi tư duy mà ta gặp mỗi ngày, với đầy những câu chuyện minh họa sống động trong đời thực.

Trong khi nhiều quyển sách nói về cách tư duy, lỗi ngụy biện, thuật hùng biện… hướng dẫn bạn cách thức làm thế nào để “thuyết phục” hay “đánh bại” đối phương, cuốn cẩm nang nhỏ này không mấy bận tâm đến việc đó.

Nó đóng vai trò nhiều hơn như một chiếc gương soi.

Chiếc gương mà nếu thường xuyên nhìn vào, bạn sẽ rửa sạch được kha khá vệt hằn trong tư duy của chính mình.


“Alain nói về hạnh phúc”

Tựa tiếng Pháp: Propos sur le bonheur

“Alain nói về hạnh phúc” của Émile Chartier. Ảnh: iSach.

Nếu “Nghệ thuật tư duy rành mạch” là chiếc gương soi tư duy, thì “Alain nói về hạnh phúc” lại giống như cánh cửa sổ mở rộng, vừa cho nắng sớm sưởi ấm những cái đầu lạnh lẽo, vừa là mưa rào tưới mát những tâm hồn khô héo.

Có lẽ vì thế mà bản tiếng Việt quyển sách của Émile Chartier được giới thiệu đến bạn đọc qua dự án tủ sách “Cánh cửa mở rộng”, hợp tác giữa nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt và Nhà xuất bản Trẻ.

Émile Chartier, thường được biết đến với tên gọi Alain, là một triết gia, nhà báo, và là người thầy nổi tiếng đã từng đào tạo nên một thế hệ các nhân vật lừng danh của Pháp vào đầu thế kỷ 20.

Tên gọi của cuốn sách “về hạnh phúc” nghe chừng chung chung vô vị, nhưng tập hợp các bài trao đổi ngắn (propos) của Alain trong đó lại đa dạng vô chừng, đủ màu đủ vị.

Mỗi bài viết như một đoạn chuyện trò tâm sự từ một người bạn cũ, mà sau một thời gian không gặp, có quá nhiều thứ hay ho để chia sẻ.

Mỗi cuộc trò chuyện không cái nào giống cái nào, nhưng đồng thời cái nào cũng liên tưởng gắn kết được với những cái còn lại.

Các câu chuyện trải dài từ công việc, gia đình đến tình bạn, tình yêu; từ những nỗi sợ hãi, tuyệt vọng, buồn chán đến các thể loại định mệnh, số phận, tương lai; từ chuyện người lớn đến chuyện trẻ con, chuyện người sống và người chết, chuyện con ngựa rồi con chó; từ phép lịch sự, cách điều tiết tâm lý đến phương thức tập thể dục, và cả nghệ thuật ngáp.

Mỗi đề tài đều có những câu cú ý tứ thú vị, đáng được ghi lại trong sổ tay.

Như cách Alain gọi ngáp là “một sự phục thù của cuộc đời”. Cái động tác đơn giản “rũ bỏ sự nghiêm túc, như một lời bố cáo hào hứng về tinh thần vô tư lự; đó là một tín hiệu mà tất cả mọi người trông chờ, giống như tín hiệu cho phép giải tán hàng ngũ. Không thể từ chối cảm giác thoải mái này; toàn bộ sự nghiêm túc bởi vậy mà tiêu tan.”

Cảm giác hào hứng đó “lây lan như một căn bệnh”, nhưng là thứ lây lan đáng mong chờ nhất.

Vì đó là tín hiệu của tự nhiên, thông qua đó, “tự nhiên thông cáo rằng nó chỉ muốn sống thôi và nó đã chán suy nghĩ.”

Và ai có thể dạy con người nghệ thuật sống sung sướng đó?

Alain nói với ta rằng hãy học theo những con chó, ít nhất là khi muốn ngáp.


Cuộc cách mạng một cọng rơm

Tựa tiếng Anh: The one-straw revolution

“Cuộc cách mạng một cọng rơm” của tác giả Masanobu Fukuoka. Ảnh: Slideshare/Chưa rõ nguồn.

Quyển sách nhỏ này cũng là một tập hợp các trao đổi ngắn. Nhưng nếu các câu chuyện của Alain có thể giúp bạn duỗi người khoan khoái, thì cuộc cách mạng của Masanobu Fukuoka có “nguy cơ” khiến bạn tỉnh người suy ngẫm rất lâu, để rồi sau đó phải lật lại tất cả những gì bản thân đã, đang và sẽ làm.

Vào thời điểm cuốn sách ra đời, năm 1975, thế giới đang bắt đầu tăng tốc cho cuộc “Cách mạng xanh” (The Green Revolution) rầm rộ, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh năng suất, áp dụng triệt để phân bón nông nghiệp và thuốc trừ sâu.

Khi đó, rất nhiều người tin rằng đó là con đường duy nhất để “cứu sống” hàng tỷ người trên trái đất không bị chết đói. Ngày nay, cho dù những hậu quả của thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đã và đang ngày một hiện rõ, vẫn còn rất nhiều người tin rằng không còn cách nào khác để làm nông nghiệp.

Masanobu Fukuoka chứng minh cho tất cả thấy đó không những không phải là con đường duy nhất, lại càng không thể là con đường tốt nhất.

Ông dành suốt ba chục năm, tính đến thời điểm viết sách, và ba chục năm tiếp theo, đến tận những ngày cuối đời, để thực hành lối nông nghiệp “thuận tự nhiên”: không dùng hóa chất, không phân bón, thậm chí không cả cày xới, dù là bằng máy móc hiện đại hay công cụ thô sơ.

Những cánh đồng lúa, những vườn cây trái của ông có năng suất cao không kém gì, trong nhiều trường hợp còn hơn cả những ruộng những vườn được “canh tác hiện đại” bậc nhất trên đất nước.

Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. “Năng suất” không phải là thứ ông hướng đến. Khái niệm “nhiều hơn”, “tốt hơn”, rồi “nhanh hơn”, “rẻ hơn”… chỉ là sản phẩm từ lòng tham và sự đố kỵ của con người. Lòng tham ấy, kết hợp với người anh em sinh đôi, nỗi sợ hãi, khiến con người ngày càng ám ảnh, đến mức “tẩu hỏa nhập ma”, về vị thế của mình trong tự nhiên.

Thay vì sống hòa mình với tự nhiên, con người xem tự nhiên là “giặc”, là những thực thể cần “kiểm soát” và có thể “chinh phục”. Hậu quả của lối tư duy lạc loài đó đang ngày một hiển hiện rõ ràng, từ tác hại nặng nề của cuộc khủng hoảng khí hậu do việc bơm thải CO2 vô tội vạ vào khí quyển, cho đến những căn bệnh quằn quẹo do không khí, nước và thức ăn nhúng đầy các chất gây hại do chính con người tạo ra.

Rất lâu trước khi nhiều người tối tăm mặt mày vì các hệ quả của cơn điên tham cuồng này, Masanobu Fukuoka đã nhìn ra được lối thoát giản dị: tìm lại chỗ của mình trong tự nhiên.

Quan sát cách các loại cây cối, rau quả, chim chóc, ếch nhái, côn trùng, vi sinh vật chung sống chan hòa, vừa ganh nhau để tồn tại, vừa nương vào nhau để cùng phát triển trên những mảnh đất ban đầu khô cằn kiệt quệ nhưng càng ngày càng màu mỡ giàu dinh dưỡng của ông, chúng ta phải tự hỏi làm cách nào con người lại tự đá mình ra khỏi đại gia đình vĩ đại đến dường này của tự nhiên.

Fukuoka không phải là người duy nhất cổ vũ và thực hành cho lối nông nghiệp thuận tự nhiên. Trường phái nông nghiệp tự nhiên ở phương Tây đã tồn tại so kè (tuy thất thế) với phái nông nghiệp hiện đại từ đầu thế kỷ 20, với những đại diện như Albert Howard.

Nhưng tư duy và phương pháp thực hành của Fukuoka, thừa hưởng từ các nhà hiền triết phương Đông vài ngàn năm trước, vượt xa khỏi địa giới của khoa học lẫn nông nghiệp.

Đó là lý do vì sao cho dù không am hiểu gì về nông nghiệp, mỗi người đọc vẫn sẽ thu hoạch được những thành quả khác nhau khi đồng hành trong câu chuyện của ông.

Ngay cả khi ông chỉ trích (các giới hạn của) khoa học, những người am hiểu về khoa học thật sự vẫn có thể nhận ra thứ Fukuoka đã làm chính là loại “khoa học xịn” nhất, vừa kết hợp giữa hàng chục năm thực chứng (empirical evidence) với vô số lần thử nghiệm và thất bại (trial and error), vừa có tầm nhìn xa (vision) và trí tưởng tượng (imagination) vượt ra khỏi các bức tường của mọi thứ định nghĩa và phân loại.

Émile Chartier trong quyển sách ở trên cũng đã từng nói về một thứ khoa học giống vậy, một thứ khoa học “không được tham vọng, không được khoác lác, không được vội vã”, “đưa chúng ta ra khỏi những cuốn sách và mang tầm nhìn của chúng ta tới những chân trời xa”.

Những bài học của Masanobu Fukuoka được giới thiệu đến độc giả Việt Nam thông qua nỗ lực biên dịch của Xanhshop, cùng với đó là sự hình thành cộng đồng “Cuộc cách mạng một cọng rơm”.

Dù chỉ mới được lập ra vài năm gần đây, cộng đồng này đang ngày một bắt rễ sâu qua từng hạt giống xanh rải khắp trên các miền của đất nước.

Giống như ông lão từng bị cho là gàn dở Fukuoka vài chục năm trước, giờ đây những con người kiên trì lặng lẽ đó đang tìm lại chỗ của mình trong thế giới tự nhiên.

Họ là những người dọn đường, đang ở phía trước chờ chúng ta.


Nhân tố Enzyme

Tựa tiếng Anh: The Enzyme Factor

“Nhân tố Enzyme” của tác giả Hiromi Shinya. Ảnh: Fahasa.

Trong khi Masanobu Fukuoka mượn chuyện thức ăn, chuyện nông nghiệp để nói về nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan, thì tác giả Hiromi Shinya từ chuyện thức ăn lại tập trung diễn giải về cách thức vận hành của cơ thể bên trong con người.

“Nhân tố Enzyme” là kết quả hàng chục năm nghiên cứu và trực tiếp khám chữa bệnh của bác sĩ Hiromi Shinya.

Trong quyển sách, ông trình bày giả thuyết về các “enzyme diệu kỳ”, những chất xúc tác sinh học tham gia vào tất cả các hoạt động thiết yếu duy trì sự sống. Theo đó, cơ thể chỉ có một lượng cố định các enzyme “diệu kỳ nguyên bản” – nói như ngôn ngữ thời thượng là enzyme “xịn” hay “zin”. Các enzyme xịn này sẽ bị hao tổn đáng kể nếu phải xử lý các loại thực phẩm có hại hay tác nhân bên ngoài (môi trường ô nhiễm, lối sống không điều độ…). Một khi mất đi các enzyme xịn đó, cơ thể sẽ mất cân bằng, bệnh tật sẽ đến. Để giữ cho cơ thể cân bằng không bệnh tật, con người vừa phải bảo toàn các enzyme xịn, vừa phải biết cách bổ sung những “enzyme tươi”, trong đó nguồn bổ sung enzyme tốt nhất là từ các loại thực vật tươi sống.

Giống như cách Fukuoka nhìn con người và hoạt động nông nghiệp là một phần tổng hòa của toàn bộ thế giới tự nhiên, bác sĩ Hiromi Shinya cũng xem “cơ thể con người là một thể thống nhất có liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận với nhau”.

Ông giải thích “chỉ cần một chiếc răng bị sâu cũng sẽ ảnh hưởng đến cả cơ thể. Bởi thức ăn không được nhai kỹ khi chuyển xuống dạ dày sẽ khiến tiêu hóa không tốt, dẫn đến không hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng từ đó gây ra vấn đề cho các bộ phận khác trong cơ thể.”

Là một chuyên gia về dạ dày, đến thời điểm ra đời quyển sách, Hiromi Shinya đã kiểm tra chẩn đoán dạ dày của hơn 300.000 người. Ông kết luận “người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp.”

Giữ đúng tinh thần cẩn trọng của một người làm khoa học, bác sĩ Shinya nói rõ vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học khác về hoạt động của enzyme trong cơ thể để chứng thực giả thuyết của ông. Nhưng với dữ liệu lâm sàng khổng lồ ông có được, cùng kết quả áp dụng các biện pháp thực hành trên thực tế qua nhiều năm, người ta có lý do để lắng nghe những kinh nghiệm chia sẻ của vị bác sĩ này.

Một cách trực quan nhất, hình ảnh thực tế kinh dị từ dạ dày của những người ăn uống vô độ, sinh hoạt thiếu lành mạnh, đủ khiến rất nhiều bạn đọc sẽ phải giật mình nhìn lại lối sống của chính mình.

Có lẽ sau này thay vì chọn bạn đời qua việc xem mặt trông dáng, điều tra gia phả, ngắm vòng một vòng ba hay dò la con ông cháu cha, người ta nên dắt nhau đi nội soi dạ dày.

Những thứ bên ngoài có thể làm giả, chứ cơ thể bên trong con người chưa bao giờ biết nói dối.


Đi tìm lẽ sống”

Tựa tiếng Anh: Man’s search for meaning

“Đi tìm lẽ sống” của tác giả Viktor Frankl. Ảnh: shopee.

Nếu các quyển sách ở trên là công trình nghiền ngẫm nhiều năm trời của các tác giả, thì “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl có lẽ là cuốn sách không ai muốn viết bao giờ.

Được hoàn thành chỉ trong chín ngày, theo lời của Frankl, đây là câu chuyện thuật lại những trải nghiệm của tác giả trong những năm tháng ở trại tập trung của phát xít Đức trong Thế Chiến II.

Giống như nhiều tự truyện của những nạn nhân sống sót qua trại tập trung, “Đi tìm lẽ sống” cũng đầy những hình ảnh ám ảnh về một thứ địa ngục trần gian vượt xa trí tưởng tượng của bất kỳ bộ óc con người nào.

Điểm khác biệt của quyển sách nhỏ này là nó được viết ra bởi một bác sĩ trị liệu tâm lý (psychiatrist). Xuyên suốt câu chuyện là rất nhiều những câu hỏi vì sao cùng nỗ lực tự lý giải của tác giả.

Dưới góc độ của một bác sĩ, Viktor Frankl tập trung quan sát sự biến đổi thể chất, tâm lý, hành vi của tất cả những con người bị nhốt bên trong các hàng rào kẽm gai, bao gồm cả tù nhân lẫn lính gác, và tất nhiên là của cả chính ông.

Cách phản ứng của những con người bình thường bỗng dưng bị lột sạch trần trụi, theo cả nghĩa đen lẫn bóng, tước bỏ tất cả những gì làm nên bản thể của họ. Từ tài sản, vật dụng cá nhân, quần áo, đến da thịt bên ngoài, mặt mũi tóc tai, ngay cả tên tuổi cũng hoàn toàn bị xóa bỏ, mỗi người tù chỉ còn là những con số vô hồn.

Tâm lý của những người lính đối diện với các đồng loại, vốn dĩ không có gì khác biệt mình, nhưng chỉ sau vài khoảnh khắc ngắn ngủi đã được “phe ta” phù phép cạo sạch đi phần “người” của “bọn chúng”. Nhờ đó, họ có thể mặc sức thả bung cho những cơn thịnh nộ tàn ác nhất giáng xuống “bọn thú vật” này.

Đặc biệt hơn cả có lẽ là sự biến chuyển ngoạn mục của một số các “tù nhân đặc biệt”, những người được gọi là “Kapo” (sếp/ thủ lĩnh). Bằng một chút may mắn và ranh mãnh, những người tù này được lựa chọn để “thay mặt cai quản” đám tù nhân còn lại. Chỉ cần có vậy, họ bỗng chốc trở thành một loại sinh vật khác.

Các Kapo này luôn được ăn đủ mặc ấm (so với điều kiện trong trại), luôn có đặc quyền đặc lợi, và nắm trong tay quyền sinh sát đối với các tù nhân. Họ căm thù những tù nhân hơn cả lính gác, và đánh đập những người tù tàn bạo hơn cả sĩ quan Đức quốc xã.

Frankl nhận xét nhiều Kapo có lẽ có cuộc sống trong trại sung sướng hơn cả cuộc sống tự do ngoài đời trước kia của họ. Ở ngoài đó, họ cũng giống như tất cả. Ở đây, khi tất cả bị nhấn chìm xuống bùn, họ bỗng thấy mình hơn người.

Thế giới ngày nay đã thay đổi khá nhiều. Điều kiện địa ngục của những trại tập trung cũng khó lặp lại, dù rằng những dạng thức khác của nó, không kém phần tàn ác, vẫn tồn tại đâu đó ở những chế độ độc tài, chuyên dùng bạo lực để trị dân.

Nhưng cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác luôn là cuộc chiến vĩnh hằng.

Ở đó, chiến trường khốc liệt nhất không ở đâu xa, mà nằm ngay trong chính tâm trí mỗi người.

Tại đó, con người phải tự đánh vật với các nỗi sợ, với lòng tham, với thù hận, với những đau đớn tột cùng về thể xác lẫn tinh thần, để luôn cân bằng được phần “con” và phần “người”.

Mà trong hành trình đi tìm lẽ sống, không ai có thể để phần “con” vượt lên phía trước phần “người”.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.